Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dư nợ tín dụng tháng 2 giảm

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dư nợ tín dụng tháng 2 giảm

(ĐTCK) Ảnh hưởng của dịch bệnh đang có dấu hiệu khiến nợ quá hạn tiềm ẩn gia tăng…

Trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, tính đến ngày 7/2/2020, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 0,38% so với cuối năm 2019 và giảm 0,47% so với cuối tháng trước.

Lĩnh vực giảm mạnh như công nghiệp chế biến - chế tạo chiếm tỷ trọng 16,48% GDP và 14,52% tổng dư nợ nền kinh tế; nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 13,96% GDP và 8,74% tổng dư nợ.

Cùng với đó, nhiều lĩnh vực dự kiến cũng bị ảnh hưởng mạnh như chế biến thực phẩm, đồ uống, dệt may và da giày, du lịch, thương mại...

“Sơ bộ báo cáo của các ngân hàng gửi lên NHNN cho thấy, tổng dư nợ có thể giảm khoảng 900.000 tỷ đồng do dịch cúm Covid-19, riêng khối ngân hàng có vốn nhà nước là gần 600.000 tỷ đồng... dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu tiềm ẩn tăng”, vị lãnh đạo trên nói.

Thông tin từ Viện Ðào tạo và nghiên cứu BIDV cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh đến hệ thống ngân hàng chủ yếu thông qua tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, khách hàng và bản thân ngân hàng.

Ðối với ngành ngân hàng, dự báo dịch Covid-19 sẽ tác động đến một số khía cạnh quan trọng như cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong 2 quý đầu năm; tiềm ẩn nợ xấu tăng khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn…

Chia sẻ với phóng viên, một lãnh đạo cao cấp Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) cho biết: “Tình hình dịch bệnh nếu kéo dài sẽ tác động mạnh đến việc xử lý những món nợ xấu cũ, đồng thời nợ xấu mới phát sinh là câu chuyện sẽ xảy ra khi các doanh nghiệp bị đình trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong khi đó, 2020 là năm cuối thực hiện và tổng kết Ðề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 để chuẩn bị cho chiến lược ngành ngân hàng đến năm 2025…”.

Dù có những quan ngại, nhưng lãnh đạo Vietcombank cho biết, Ngân hàng hiện vẫn chưa nhận được báo cáo chi tiết từ phía doanh nghiệp trong việc doanh thu giảm do bệnh dịch.

Nguyên do bởi doanh nghiệp cũng mới bắt đầu quay lại sản xuất - kinh doanh và kỳ sản xuất trong 1 tháng cũng chưa có đủ dữ liệu để báo cáo. Trên thực tế, doanh nghiệp thường cần từ 3-6 tháng mới có được báo cáo tình hình sản - xuất kinh doanh cụ thể.

“Số liệu cụ thể chưa có và vẫn là ước tính để ngân hàng sẵn sàng những biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả  nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn, giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu…”, vị lãnh đạo Vietcombank nói.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Vẫn còn quá sớm để nhận định nợ xấu sẽ tăng mạnh trong năm 2020 do chịu tác động của dịch. Mọi hoạt động có thể chậm lại thời điểm hiện tại, nhưng sau khi hết dịch, các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng sẽ phục hồi rất nhanh.

Bởi dịch Covid-19 chỉ là rủi ro ngắn hạn, khi kết thúc người dân sẽ đẩy mạnh mua sắm, tiêu dùng, đi du lịch… ”.

Ðồng quan điểm, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng: “Tình hình hiện tại khá khó khăn đối với các doanh nghiệp và ngân hàng.

Người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng ùn ùn, trong khi doanh nghiệp không vay vốn kinh doanh nghĩa là ngân hàng không có lãi. Tuy nhiên, khi tình hình khả quan hơn, doanh nghiệp thường tăng trưởng mạnh, doanh số không chỉ tăng lên gấp đôi, thậm chí có thể gấp ba”.

Ðánh giá tác động của dịch cúm Covid-19 tới nhóm ngành ngân hàng, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, do kinh tế vĩ mô nói chung và một số lĩnh vực như du lịch, khách sạn, xuất khẩu nông sản... chịu ảnh hưởng từ dịch, nên ngành ngân hàng cũng sẽ chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, với triển vọng dài hạn của ngành và định giá hấp dẫn hiện tại của cổ phiếu ngân hàng tại Việt Nam, quan điểm tích cực đối với lĩnh vực này trong năm 2020 vẫn được duy trì.

“Không chủ quan trước tình hình dịch bệnh sẽ tác động đến nợ xấu, nhất là khi báo cáo tài chính của các ngân hàng trong năm 2019 thể hiện nợ xấu tăng dần qua từng quý.

Xu hướng nợ xấu quay trở lại trong năm 2020 là hiện hữu, đặc biệt, dư nợ cho vay bất động sản hiện vẫn ở mức cao, khoảng 1,5 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 19% tổng dư nợ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cảnh báo.

Tin bài liên quan