Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng tiêu cực bởi virus Covid-19
Không một ngành nào thoát
Chia sẻ tại buổi nói chuyện chuyên sâu về tác động của dịch bệnh Covid-19 liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức sáng nay (28/2) tại TP.HCM, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết, ông mới nhận được thông tin ngành du lịch thế giới năm nay có thể thiệt hại 22 tỷ USD. Chính vì vậy, các doanh nghiệp ngành này sẽ phải tìm cách đẩy mạnh khai thác du lịch trong nước, giảm giá dịch vụ.
Tuy nhiên, Covid-19 không chỉ giáng mạnh vào ngành du lịch, vận tải, mà còn cả với dệt may, da giày..., thậm chí cả nền kinh tế nói chung và tác động này là tác động kép cả đầu vào và đầu ra.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao kể, khi đến thăm gốm sứ Minh Long thấy công ty vẫn hoạt động sản xuất bình thường, bữa ăn trưa vẫn có đầy đủ 1.500 công nhân của nhà máy, nhưng khi trao đổi với ông Lý Huy Sáng, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long thì ông Sáng cho biết, tác động của Covid-19 khá nghiêm trọng và ngành gốm sứ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi, nhìn xa hơn từ một Triển lãm quan trọng nhất năm của ngành hàng này được tổ chức tại Đức, năm nay có 700 doanh nghiệp không đến tham dự triển lãm đều là doanh nghiệp Trung Quốc. Số lượng khách tham gia triển lãm năm nay cũng giảm khoảng 60% so với năm trước. Tại các showroom của Minh Long, số lượng người tham quan mua sắm cũng giảm khoảng 30%.
“Đây là một triển lãm rất quan trọng, vì từ triển lãm này Minh Long luôn ký được những hợp đồng lớn cho cả năm. Năm nay thì khác, năm nay chỉ có thị trường Nga quan tâm và đặt hàng”, bà Hạnh dẫn lại lời Phó tổng giám đốc Công ty Minh Long.
Theo bà Hạnh, Covid-19 đang có ảnh hưởng dây chuyền khiến không ngành kinh tế nào thoát khỏi. Khi nhà hàng khách sạn không kinh doanh được, thì họ cũng không có nhu cầu thay đổi mua hàng gớm sứ mới.
Còn đại diện Công ty cổ phần Đầu tư thương mại Thái Bình, có nhà máy sản xuất giấy và tã lót băng vệ sinh ở Cu Ba nói rằng, về lý thuyết, các doanh nghiệp như Thái Bình sẽ không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vì không giao dịch trực tiếp với bạn hàng Trung Quốc, nhưng các bạn hàng của Công ty lại có giao dịch nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc, nên cũng bị ảnh hưởng.
Nhà máy của Công ty Thái Bình ở Cu Ba sử dụng 50% nguyên liệu có xuất xứ từ Trung Quốc, nên hiện nay cũng đã bị ảnh hưởng. Trong khi đó, hội chợ nguyên liệu về ngành này dự kiến tổ chức ở Thụy Sỹ vào tháng 3 năm 2020 cũng đã bị hoãn vì đối tác và các nhà cung ứng nguyên liệu đa phần từ Trung Quốc.
Du lịch là một trong những ngành chịu tác động nặng nề nhất vì Covid-19
Với nhựa Duy Tân, vì không nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, mà nhập khẩu nguyên liệu từ Hàn Quốc và các nước khác, nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi đầu vào. Khó khăn chủ yếu của Duy Tân là đầu ra. Kinh tế khó khăn nên nhu cầu mua sắm giảm bớt. Ngành nhựa lại không phải là ngành hàng nằm trong các nhu cầu nhu yếu phẩm.
“Tuy nhiên, bây giờ nguyên liệu đầu vào cũng bị ảnh hưởng luôn vì Hàn Quốc cũng đang trong tình trạng dịch bệnh hoành hành. Chính vì thế, doanh nghiệp cũng đang phải đưa ra rất nhiều kịch bản để đối phó trong khi chờ đợi những phương án cứu trợ của Nhà nước”, đại diện Duy Tân nói.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, tác động tiêu cực này chủ yếu sẽ diễn ra trong quý I và quý II/2020, khi dịch bệnh được dự báo là cao điểm, lắng xuống và có độ trễ sau đó.
Goldman Sachs, Moody’s, Coface, BNP Paribas Cadif, International SOS…, dự báo, dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu năm 2020 giảm khoảng 0,3-0,7 điểm phần trăm tùy thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh (do Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chiếm tỷ trọng khoảng 17% GDP toàn cầu và đóng góp khoảng 33% tổng mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu)….
“Thiệt hại về sản xuất do chuỗi giá trị với Trung Quốc bị gián đoạn không nhỏ, nhưng chưa có số liệu đầy đủ. Doanh nghiệp chấp nhận 1 thử thách đau đớn và coi đó là cơ hội để các doanh nghiệp liên kết lại với nhau và cùng đứng dậy. Chúng ta vẫn còn nhà xưởng máy móc người lao động vấn đề là phải sáng tạo để có những phương án vượt qua thách thức”, ông Doanh nói.
Cơ hội “cay đắng”
"Đúng là chúng ta đã có một cơ hội cay đắng”, bà Hạnh nói và cho biết, một số doanh nghiệp đã nhận ra rằng, trước giờ chỉ mải chạy theo sự vụ theo thị trường, theo tình huống, khi gặp vấn đề mới thấy rằng, nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào một thị trường…
“Đây là thời gian rất quan trọng, khi mình bị đẩy tới chân tường, mình phải bật ra và tiếp tục sống. Khi bật ra được sẽ phải suy nghĩ lại về mô hình kinh doanh, về bộ máy nhân sự, về thu chi báo cáo tài chính và các dòng sản phẩm”, bà Hạnh nói.
Trong khi đó, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Hữu Trung, Covid-19 chính là một bài học đắt giá bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải cơ cấu lại nếu muốn tồn tại. Nếu dịch còn kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn cung cho các doanh nghiệp sản xuất, mà còn ảnh hưởng cả nguồn cầu.
Theo bà Hạnh, để đối diện với Covid-19 hiện nay, một số doanh nghiệp phải thay đổi đưa ra những kịch bản khác nhau cho doanh nghiệp của mình: Kịch bản màu hồng, kịch bản trung trung hoặc thậm chí tệ hơn thì doanh nghiệp sẽ phải phát triển theo hướng nào? Doanh nghiệp đang phải xoay xở nhiều cách để tự cứu mình.
Chẳng hạn, Công ty Minh Long đang tập trung nghiên cứu để đưa ra thị trường những sản phẩm mới với nhu cầu mới như ly sứ đựng nước suối mang theo và tiếp tới là các hộp đựng đồ ăn mang theo khi đi làm….
“Hiện nay, chúng tôi đã thăm dò được hơn 30 doanh nghiệp và sẽ tiếp khảo sát này để chia thành những nhóm có vấn đề tương tự nhau và mời các chuyên gia, cũng như doanh nghiệp lớn hơn đến chia sẻ kinh nghiệm giải pháp cho các doanh nghiệp nhỏ”, bà Hạnh nói.