Anh đối diện với suy thoái sâu và kéo dài

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều nhà kinh tế nhận định, Anh đang phải đối mặt với “cuộc suy thoái sâu hơn và kéo dài hơn” so với bất kỳ quốc gia nào trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Gánh chịu nhiều cú sốc

Các nhà kinh tế cho rằng, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, sự sụt giảm lực lượng lao động lẫn quan hệ thương mại với EU và cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga - Ukraine là những nhân tố chính “phủ mây đen” lên triển vọng kinh tế nước Anh. Mức sống của người dân Anh hiện giảm sâu nhất trong 6 thập niên.

Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), thu nhập khả dụng thực tế của các gia đình giảm 0,5% trong quý III/2022, là mức giảm thứ tư liên tiếp; chi tiêu hộ gia đình giảm 1,1%.

Thống kê từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Anh cho thấy, khoảng 85% người dân đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, trong khi tỷ lệ tiết kiệm ngoài lương hưu trong quý III/2022 tăng 1,8% so với mức 1,3% của quý liền trước. Ước tính, 20% trong tổng số 2,5 triệu gia đình thu nhập thấp không thể chi trả hóa đơn thực phẩm và nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông.

“Nước Anh đang gánh chịu cú sốc năng lượng tồi tệ như ở châu Âu, tỷ lệ lạm phát tồi tệ như ở Mỹ, đồng thời nước này còn đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung lao động sau Brexit và cuộc khủng hoảng y tế”, giáo sư Ricardo Reis tại Trường Kinh tế London nhận xét.

Nhà kinh tế học John Philpott, chuyên phân tích thị trường lao động độc lập nhận định: “Suy thoái kinh tế năm 2023 sẽ tồi tệ hơn nhiều so với tác động kinh tế của đại dịch Covid-19”.

Các dự báo do Consensus Economics tổng hợp cho thấy, GDP năm 2023 của Anh sẽ giảm 1%, khu vực đồng tiền chung Euro tăng 0,1%, Mỹ tăng 0,25%, toàn cầu tăng 1,5%.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế nhận định, trong 2 năm tới, Anh sẽ là nền kinh tế tăng trưởng kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trừ Nga.

Chính sách tiền tệ có thể tiếp tục thắt chặt

Lực lượng lao động tại Anh thu hẹp đáng kể từ năm 2019 đến nay, gây thiệt hại cho các dịch vụ công. Riêng lực lượng lao động làm việc trong các lĩnh vực an sinh xã hội đã giảm 50.000 người trong năm 2022, do bất đồng về tiền lương và vấn đề sức khỏe, ghi dấu lần giảm đầu tiên trong một thập kỷ.

Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng, nước Anh sẽ tiếp tục tụt hậu vì một số sai lầm trong chính sách tài khóa (cắt giảm thuế lớn, nhưng lợi ích chủ yếu dành cho các bộ phận người dân giàu có), khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn như năng suất kém, đầu tư kinh doanh yếu, dịch vụ công bị bỏ bê. Bên cạnh đó, thương mại bị ảnh hưởng do Brexit gây ra vẫn là lực cản đối với tăng trưởng kinh tế Anh trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã lên tiếng về việc lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023 để đưa lạm phát trở về mức mục tiêu 2%/năm, nhưng tăng bao nhiêu và trong bao lâu thì chưa có phương án cụ thể (năm 2022, BoE có nhiều lần nâng lãi suất, từ mức 0,25%/năm lên 3,5%/năm).

Ông Jagjit Chadha, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh nhận định, lạm phát sẽ giảm nhanh từ giữa năm 2023, nên chính sách tăng lãi suất chỉ cần thực hiện từng bước nhỏ để đạt được mục tiêu vào năm 2024.

Mặc dù vậy, một số ý kiến lo ngại, BOE có thể “đi quá xa”, bởi phải mất thời gian để hành động tăng lãi suất mang lại hiệu quả, có thể kéo theo một cuộc suy thoái khắc nghiệt không cần thiết.

Lạm phát tại Anh ở mức 10,7% trong tháng 12/2022, duy trì ở mức cao sau nhiều tháng tăng liên tiếp, cao nhất trong 4 thập kỷ qua. Trong năm 2022, giống như nhiều quốc gia khác, BoE liên tiếp tăng lãi suất nhằm kiềm chế đà tăng của giá cả và phát đi tín hiệu sẵn sàng “phản ứng mạnh mẽ” bằng những đợt tăng lãi suất cao hơn nếu lạm phát có dấu hiệu kéo dài.

Tin bài liên quan