Trụ sở Bộ Ngoại giao Nga ở Moskva, ngày 28/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 8/5, Vương quốc Anh cho biết nước này tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga và Belarus liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva tại Ukraine, trong đó có việc áp thuế nhập khẩu các mặt hàng kim loại quý và lệnh cấm xuất khẩu.
Bộ Thương mại quốc tế của Anh cho biết thuế nhập khẩu sẽ nhằm vào các sản phẩm như bạch kim và paladi có giá trị thương mại 1,4 tỷ bảng Anh (1,7 tỷ USD) và lệnh cấm xuất khẩu các sản phẩm trong ngành chế tạo và công nghiệp nặng, trị giá 250 triệu bảng Anh.
Anh đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty và cá nhân Nga, sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 vừa qua. Với các biện pháp hạn chế mới nói trên, tổng giá trị các sản phẩm của Nga bị Anh đưa vào danh sách trừng phạt tăng lên hơn 4 tỷ bảng Anh.
Anh cũng đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Belarus khi cho rằng Minsk hỗ trợ Moskva trong chiến dịch này.
Trong khi đó, hãng tin Bloomberg ngày 8/5 đưa tin đại diện thường trực các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa đạt được thỏa thuận về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga.
Đáng chú ý, Hungary tiếp tục ngăn chặn đề xuất của EU trong việc cấm nhập khẩu dầu của Nga, đồng thời trì hoãn toàn bộ gói trừng phạt nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Theo phóng viên tại Moskva, cùng ngày 8/5, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Bulgaria, Asen Vasilev, cho biết nước này cũng đã đề nghị Ủy ban châu Âu (EC) hoãn áp đặt lệnh cấm vận đối với nguồn cung dầu của Nga.
Ông nhấn mạnh nếu EC không hoãn lệnh cấm này thì Bulgaria sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt. Hiện các cuộc đàm phán về một lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga đang diễn ra.
Theo hãng tin TASS của Nga, một nguồn tin ngoại giao cho biết EC đã buộc phải hạ thấp các yêu cầu liên quan đến việc áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga sau hai ngày đàm phán không thành công giữa các đại sứ của 27 quốc gia thành viên EU về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moskva.
EC đề xuất hoãn 3 tháng việc ban hành lệnh cấm vận chuyển dầu Nga và giúp các nước gặp khó khăn nhất phát triển cơ sở hạ tầng dầu mỏ bằng các khoản đầu tư từ nguồn ngân sách của EU để tìm kiếm nguồn cung thay thế. Nhiều cơ quan truyền thông cho rằng ngoài Hungary và Slovakia, có thể CH Séc, Bulgaria và một số quốc gia thành viên EU khác sẽ được hoãn áp đặt cấm vận Nga.
Trong khi đó, báo Tin tức Séc (novinky.cz) ngày 8/5 đưa tin các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang rút khỏi Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt và tình trạng thiếu hụt chip.
Phóng viên tại Praha dẫn nguồn tin trên cho biết tập đoàn công nghệ máy tính Lenovo và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi của Trung Quốc đã cắt nguồn cung cấp cho Nga kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine.
Theo dữ liệu kinh doanh mới nhất của Chính phủ Trung Quốc, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ của Trung Quốc sang Nga trong tháng 3 giảm mạnh so với tháng 2.
Các lô hàng máy tính xách tay giảm hơn 40%, điện thoại di động giảm hơn 60% và xuất khẩu các trạm phát sóng viễn thông giảm tới 98%.