Trụ sở CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex)
Quá trình phát triển
CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (tên giao dịch quốc tế là An Giang Import Export Company, viết tắt là Angimex) tiền thân là Công ty Ngoại thương An Giang, được thành lập năm 1976 và chuyển sang hình thức CTCP vào đầu năm 2008.
10 năm đầu sau ngày thành lập là thời kỳ Công ty gây dựng cơ nghiệp với hoạt động kinh doanh XNK tổng hợp. Năm 1988, Angimex được cấp phép kinh doanh xuất khẩu gạo trực tiếp, cũng là thời điểm cây lúa trở thành sản phẩm chiến lược của quốc gia, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành xuất khẩu gạo. Nắm bắt cơ hội, cùng với lợi thế nằm trên vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Angimex tập trung xây dựng hệ thống kho, xay xát, chế biến, đóng gói…, đồng thời quyết định chọn kinh doanh xuất khẩu gạo là hoạt động chính và không ngừng mở rộng quy mô, vị thế cho đến nay.
Mở rộng quy mô và ngành nghề kinh doanh
Năm 1991, Angimex góp vốn 33% với Công ty Kitoku Shinryo (Nhật Bản) thành lập Công ty Liên doanh Angimex - Kitoku để sản xuất và xuất khẩu gạo hạt tròn của Nhật và gạo chất lượng cao sang các nước. Năm 1998, Angimex thành lập đại lý ủy nhiệm của Honda Việt Nam đầu tiên tại tỉnh An Giang, kinh doanh xe gắn máy và phụ tùng Honda. Năm 2007, Công ty góp vốn 25% cùng với Công ty Satra, Saigon Co.op và Afiex thành lập công ty TNHH Sài Gòn - An Giang (Sagico), kinh doanh bán lẻ qua siêu thị hiện đại Co.opmart An Giang - đây là siêu thị đầu tiên và có doanh số bán hàng cao nhất tại tỉnh An Giang.
Năm 2008, Angimex kinh doanh gạo vào thị trường tiêu dùng nội địa để tiến tới xuất khẩu gạo thương hiệu. Nhãn hàng gạo Jasmine Châu Phú đang được phân phối cho hệ thống Co-opmart toàn quốc, bên cạnh các nhãn hàng gạo An Gia, Mục Đồng của Angimex.
Đầu tư cơ sở vật chất
Angimex đã xây dựng được 13 phân xưởng bao gồm thiết bị, kho trữ lúa gạo, với sức chứa hơn 100.000 tấn ở tất cả các vùng trọng điểm sản xuất lúa của tỉnh và vùng nguyên liệu của Công ty, năng lực chế biến 300.000 tấn gạo/năm. Công ty có lợi thế về cơ sở hạ tầng, với tổng diện tích đất 112.000 m2 nằm tại các vị trí trung tâm, thuận lợi cho việc kinh doanh.
Tăng trưởng quy mô vốn
Hơn 4 năm hoạt động theo mô hình CTCP, với số vốn ban đầu 58,285 tỷ đồng, Angimex không ngừng tăng trưởng vốn chủ sở hữu bằng nguồn lợi nhuận sau thuế. Tính đến ngày 30/6/2012, vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 355 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 922 tỷ đồng (theo BCTC đã kiểm toán 6 tháng đầu năm 2012).
Angimex hôm nay
Ngày 14/12/2012, Angimex sẽ niêm yết 18,2 triệu cổ phiếu trên HOSE, với mã chứng khoán AGM, giá tham chiếu 20.000 đồng/CP. |
Liên tục từ năm 2008 đến nay, tổng doanh thu của Angimex ở mức trên dưới 2.000 tỷ đồng, đặc biệt trong năm 2011, doanh thu đạt 2.637 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm từ 80 - 90 triệu USD, với sản lượng xuất khẩu bình quân đạt 200.000 - 250.000 tấn gạo/năm. Lợi nhuận trước thuế năm 2008, năm đầu tiên Angimex cổ phần hóa, tăng đột biến lên 274 tỷ đồng (gần 5 lần vốn điều lệ); từ 2009 - 2011 đạt 85 - 105 tỷ đồng/năm.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp đến kinh tế Việt Nam ở tất cả các lĩnh vực, trong đó ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo cũng gặp rất nhiều khó khăn, Angimex đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2012 là 72 tỷ đồng. Trong 10 tháng đầu năm, không ít DN cùng ngành kinh doanh gạo có lợi nhuận giảm mạnh, thì Angimex duy trì được lợi nhuận ổn định, đạt 55 tỷ đồng (76,4% kế hoạch năm), tổng doanh thu đạt 1.900 tỷ đồng. HĐQT Angimex đã có quyết định tạm ứng cổ tức đợt 1/2012 bằng 10%/mệnh giá (Nghị quyết ĐHCĐ dự kiến mức chi trả cổ tức trong năm 2012 là 25 - 30%).
Công ty không đặt mục tiêu tăng trưởng bằng mọi giá về sản lượng xuất khẩu gạo để đạt chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, mà mối quan tâm hàng đầu là giảm thiểu được rủi ro, hướng đến tăng trưởng và phát triển bền vững. Ông Nguyễn Văn Tiến, Tổng giám đốc Angimex đánh giá, tình hình xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục khó khăn ở phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp, trong khi phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao tiếp tục phát triển. Vì thế, chiến lược của Công ty là chú trọng tăng tỷ trọng doanh thu từ phân khúc này, đạt 37% trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Mục tiêu của Angimex là giữ kim ngạch xuất khẩu ở mức 90 - 100 triệu USD.