Hứa bán nền ảo
Nhiều ngày qua, các nạn nhân vẫn kéo tới trụ sở Công ty Angel Lina (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM), nhưng thay vì băng rôn biểu ngữ tố cáo như nhiều tháng trước, họ đi tay không và mong báo chí truyền tải tới cơ quan chức năng thông điệp “chỉ mong lấy lại tiền bị lừa”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Phương, một nạn nhân cho hay, bà đã đóng hơn 1,3 tỷ đồng để mua nền Dự án Khu dân cư Triều An (một trong 9 dự án ảo mà Phạm Thị Tuyết Nhung vẽ ra).
“Hy vọng cao nhất của chúng tôi là lấy lại 100% số tiền đã đóng cho Angel Lina, hoặc ít ra cũng có thể lấy lại được 70% số tiền để vớt vát lại”, bà Phương và nhiều nạn nhân cùng một ý như vậy.
Khoảng giữa năm 2017, 2 công ty của Phạm Thị Tuyết Nhung đã rầm rộ mở bán 9 dự án trên mạng với cam kết giao nền đã hoàn thiện hạ tầng đầy đủ sau 6 tháng ký hợp đồng và giao sổ đỏ riêng từng nền sau 12 tháng ký hợp đồng.
Hàng trăm người dân đã mua nền của 2 công ty này dưới hình thức hợp đồng góp vốn, trả tiền làm 6 đợt.
Đến tháng 3/2019, tức tròn 12 tháng sau khi ký hợp đồng, chủ đầu tư không giao sổ, giao nền như cam kết, mặc dù đã thu từ 50% đến 100% số tiền theo hợp đồng.
Nhiều người đi đòi quyền lợi hoặc đi xác minh mới “té ngửa” ra là chủ đầu tư bán toàn nền ảo cho họ, thực tế không có những dự án đó. Tháng 4/2019, UBND phường Linh Trung (quận Thủ Đức) có văn bản khẳng định 2 công ty là Angel Lina và Đất Vàng Hoàng Gia đã lấy đất thuộc quy hoạch Đại học quốc gia TP.HCM lập dự án ảo rao bán. Tương tự, UBND quận 9 khẳng định, Dự án Khu dân cư Đỗ Xuân Hợp mà Angel Lina rao bán là đất của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. UBND quận Bình Tân cũng khẳng định trên địa bàn không có dự án phân lô bán nền nào mang tên Khu dân cư Tây Lân như Angel Lina rao…
Ngày 7/6/2019, các nạn nhân kéo tới trụ sở Công ty Angel Lina, nhưng Phạm Thị Tuyết Nhung không gặp, mà cho đám “người lạ” xăm trổ nhào tới giành giật, xô đẩy, thậm chí đánh vào mặt một nữ khách hàng.
Điều tra bước đầu của công an đã xác định, Phạm Thị Tuyết Nhung sử dụng pháp nhân của Công ty Angel Lina và Công ty Đất vàng Hoàng Gia để rao bán các nền đất ở 9 dự án “ảo” thông qua hình thức hợp đồng góp vốn. Khi nhận được tiền đặt cọc hoặc tiền góp vốn của khách hàng, Nhung không hoàn trả lại tiền, đưa ra nhiều lý do lẩn tránh nhằm chiếm đoạt tài sản của người mua với số tiền lớn.
Phạm Thị Tuyết Nhung và đồng phạm còn lừa cả người có đất bằng chiêu… hứa hẹn. Cụ thể, từ năm 2017, Nhung và một số đối tượng tìm những người có nhu cầu bán đất trồng lúa, trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, nhưng Nhung không bỏ tiền mua, mà chỉ thỏa thuận hoặc lập bản đặt cọc hứa mua với chủ đất để làm tin.
Sau đó, Nhung đã thuê người tự lập bản vẽ thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500, phân thành từng lô (nền), thể hiện nền đất đã có đầy đủ pháp lý, hạ tầng tiện ích hoàn chỉnh, rồi dùng pháp nhân Công ty Angel Lina và Công ty Đất vàng Hoàng Gia để ký kết hợp đồng góp vốn với người mua nền nhằm chiếm đoạt tiền.
Thấy gì từ Alibaba đến Angel Lina?
Vụ bắt Phạm Thị Tuyết Nhung ngay sau vụ bắt CEO Nguyễn Thái Luyện của Tập đoàn Alibaba cho thấy, các đối tượng lừa đảo đều dùng chiêu thức giống nhau, nhưng vẫn rất nhiều người mắc bẫy.
Nguyễn Thái Luyện được xác định lừa khoảng 7.000 người với tiền hơn 2.500 tỷ đồng, trong khi Phạm Thị Tuyết Nhung lừa trên 200 nạn nhân và số tiền chiếm đoạt gần 290 tỷ đồng.
Alibaba ngoài thủ đoạn lừa bán đất, còn biến tướng mô hình đa cấp Ponzi phối hợp với mô hình phái sinh của chứng khoán để lừa bán một miếng đất cho nhiều người với giá ngày càng tăng, dùng tiền người này trả lãi người kia.
Qua 2 vụ việc đều thấy rõ một điều, đó là các nạn nhân đều dễ bị lừa. Hơn 200 nhà đầu tư đã mua nền của Phạm Thị Tuyết Nhung dưới hình thức “Hợp đồng góp vốn về việc giữ chỗ hứa mua nền đất” (trích nguyên văn ngôn từ hợp đồng). Trong khi đó, loại hợp đồng này chỉ là chiêu lách luật nhằm huy động vốn của chủ đầu tư.
Nếu gặp chủ đầu tư tử tế, việc mua nền bằng hợp đồng góp vốn có thể thành. Tuy nhiên, sẽ đầy rủi ro cho người mua nếu chủ đầu tư “lật kèo” rằng, hợp đồng này là dạng hợp tác đầu tư, phân chia lợi nhuận. Khi xảy ra tranh chấp, nếu người bị hại không chứng minh được việc mình mua đất bằng hợp đồng góp vốn thì dễ mất cả chì lẫn chài.
Đó là chưa nói, hợp đồng góp vốn nếu có mục đích là mua bán bất động sản có thu tiền ứng trước, nhưng nếu dự án chưa có đầy đủ hạ tầng cùng các điều kiện cần và đủ để được triển khai theo quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở thì cũng sẽ không được triển khai và nhà đầu tư bị mất tiền oan.
Nạn nhân có thể đòi lại tiền hay không?
Theo Luật sư Bùi Phúc Thạch, Công ty luật Nam Trí Việt, vụ án này đang trong giai đoạn điều tra. Nếu đủ căn cứ kết tội, cơ quan điều tra sẽ có kết luận và chuyển hồ sơ qua Viện kiểm sát truy tố, sau đó Tòa án sẽ tiến hành xét xử.
Về tiền của người dân bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt, người phạm tội phải có nghĩa vụ trả lại theo bản án có hiệu lực pháp luật của tòa án. Vì vậy, điều cần nhất đối với nạn nhân lúc này là phải liên hệ với cơ quan công an để khai báo, cung cấp chứng cứ, tố cáo hành vi lừa đảo của Phạm Thị Tuyết Nhung và đồng phạm.