Việt Nam trở thành thủ phủ sản xuất game blockchain trong năm 2021.
Ngành công nghiệp hàng chục tỷ USD
Ngày 14/3, Dự án Blockchain Axie Infinity đạt mức vốn hóa 2,8 tỷ USD, với giá mỗi token AXS là 46,4 USD. Ở thời điểm cao nhất, AXS có giá 160 USD, Axie Infinity đạt mức vốn hóa hơn 10 tỷ USD. Đầu tháng 3/2022, Axie Infinity đã trở thành dự án NFT đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu 4 tỷ USD từ mảng kinh doanh này.
Axie Infinity là sản phẩm của Sky Mavis - studio game do CEO Nguyễn Thành Trung cùng 4 người khác đồng sáng lập. Nếu như Meta (Facebook) khởi xướng trào lưu metaverse, thì Axie Infinity là một trong những “ngọn cờ đầu” sản xuất game blockchain và Việt Nam đang trở thành thủ phủ, thành “cái nôi” sản xuất loại hình game này trong năm 2021.
Thống kê không chính thức cho thấy, trong vòng một năm qua, Việt Nam đã có khoảng 300 dự án game blockchain được lập nên, phần lớn do người Việt đầu tư hoặc gia công sản xuất. Tiếp nối sự thành công của Axie Infinity, nhiều dự án game khác của Việt Nam như Cyball, Sipher, Thetan Arena, Space Crypto, Atlantis Metaverse, Bemil, Space Genesis… đã thu hút nguồn vốn lớn của nhà đầu tư quốc tế.
Bà Lynn Hoàng, Giám đốc Binance Đông Nam Á cho rằng, Việt Nam đang trở thành thủ phủ mới của ngành công nghiệp game ứng dụng blockchain. Blockchain NFT đã mở ra các mô hình kinh doanh mới, nguồn doanh thu mới cho ngành công nghiệp game. Các công ty game Việt Nam nên tận dụng điều này để vươn ra toàn cầu.
Theo báo cáo tổng hợp từ các trang Economic Time, DappRadar, tổng giá trị vốn hoá của game blockchain NFT đạt 11,72 tỷ USD trong năm 2021. Con số này sẽ đạt hàng chục tỷ USD trong năm 2022.
Bà Thảo Trang, CMO của Project SEED cho rằng, từ lâu, Việt Nam đã là một trong những thị trường đáng chú ý về blockchain. “Các đồng nghiệp quốc tế đánh giá chúng ta đang sở hữu cả một hệ sinh thái blockchain, chứ không đơn thuần là các dự án đơn lẻ”, bà Trang cho biết.
“Ẩn ức” của nhà phát hành game Việt
Việt Nam đang được đánh giá cao về khả năng làm game, dự án, đội ngũ nhân sự và sẽ trở thành thủ phủ game blockchain của thế giới. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có hành lang pháp lý cho công nghệ blockchain phát triển.
Trong top 100 công ty blockchain trên thế giới, có 5-7 công ty do người Việt sáng lập và 10 start-up của người Việt trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD. Nhưng rất nhiều công ty làm dự án game blockchain Việt đăng ký thành lập ở nước ngoài, dù trụ sở chính và nhân lực đều nằm tại Việt Nam.
Ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, Ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, trong lĩnh vực game blockchain và tiền số, gần như chưa có khung pháp lý khiến người trong ngành vừa làm vừa nơm nớp. Khi ông viết bài về tiền số đăng trên trang cá nhân, nhiều bạn trẻ phấn khởi nhắn tin: có người như anh dấy lên vấn đề này chứ lâu nay bọn em chuyên làm trong âm thầm.
Cuối tháng 1/2022, Tập đoàn công nghệ Microsoft chi 68,7 tỷ USD để thâu tóm nhà phát hành game video Activision Blizzard (Mỹ), chủ sở hữu của các tựa game nổi tiếng như Call of Duty, World of Warcraft và Candy Crush.
Thậm chí, một bạn trẻ chia sẻ rằng, công ty của họ đã phát hành đồng tiền số lên sàn và có giá trị giao dịch mấy chục triệu USD mỗi ngày và dù công ty lập ở Singapore, nhưng họ chưa yên tâm vì vẫn là người Việt. “Mình cứ nói tương lai của Việt Nam là kinh tế số, nhưng nhiều lĩnh vực của kinh tế số còn chưa có khung pháp lý”, ông Bảo nêu thực tế.
Theo ông Lương Thanh Bình, Giám đốc điều hành B-Gate, ở Việt Nam, khi ai đó bắt đầu một mảng kinh doanh mới mà chưa rõ hành lang pháp lý thì thường được nghe câu: “công an bắt đấy”. “Có thể đó là dư âm từ thời bao cấp, khi còn tình trạng ngăn sông cấm chợ, cấm buôn bán nhiều mặt hàng. Vì thế, để an toàn, việc các dự án đều đăng ký hoạt động tại nước ngoài là điều bình thường”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, để thị trường game blockchain được công nhận và phát triển, trước tiên, Nhà nước cần xác định và ưu tiên blockchain là ngành công nghiệp mũi nhọn mang về nhiều tỷ USD. Khi xác định được điều đó, chúng ta đủ trình độ và tư duy để tư vấn, xây dựng được hành lang pháp lý cho lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Ngọc Hân, CEO Thủ Đô Multimedia cho rằng, Việt Nam chưa công nhận game có ứng dụng blockchain bởi công nghệ đang phát triển quá nhanh, khiến việc điều chỉnh luật pháp chưa kịp thời. Bản thân các nhà phát hành game nhận thấy họ sẽ an toàn hơn nếu phát hành ở những nước có sự cởi mở nhất định với sản phẩm mới.
Mặt khác, các nhà phát triển game chọn các nhà phát hành quốc tế bởi kênh thanh toán đã được cởi bỏ. Đây là môi trường giúp các nhà phát triển sản phẩm có “phòng thí nghiệm” để phát triển sản phẩm của mình.
“Nếu không nắm bắt cơ hội này, Việt Nam có thể lặp lại tình trạng 'chảy máu' start-up như đã diễn ra ở các lĩnh vực khác”, bà Lynn Hoàng chia sẻ.