Ấn tượng Semen Gresik đầu tư vào Xi măng Thăng Long

Ấn tượng Semen Gresik đầu tư vào Xi măng Thăng Long

(ĐTCK) Khoản đầu tư vào Xi măng Thăng Long, trên cơ sở giá trị doanh nghiệp được xác định là 335 triệu USD giữa CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) và Tập đoàn PTSemen Gresik (Persero) Tbk (Semen Gresik) đạt được vào giữa tháng 12 này được giới chuyên môn đánh giá là thương vụ ấn tượng của năm.

Tại sao trong vô số nhà máy xi măng đang khao khát mời gọi nhà đầu tư, tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia lại “chọn mặt gửi vàng” với Xi măng Thăng Long?

Ấn tượng Semen Gresik đầu tư vào Xi măng Thăng Long ảnh 1

Bộ trưởng Doanh nghiệp Nhà nước Indonesia Dahlan Iskan và lãnh đạo các bộ ngành của Việt Nam chứng kiến Lễ ký kết.

 

Giải mã sự hấp dẫn

Có bề dày hơn 50 năm hoạt động, Semen Gresik là tập đoàn sản xuất xi măng lớn nhất Indonesia với gần 45% thị phần trong nước. Hiện công suất hoạt động của Semen Gresik đạt 23 triệu tấn xi măng mỗi năm. Cuối năm 2012, Semen Gresik dự kiến đưa vào hoạt động một nhà máy mới, nâng tổng công suất hoạt động của Tập đoàn lên 26 triệu tấn mỗi năm. Semen Gresik có vốn nhà nước chiếm tới 51%, là 1 trong top 10 công ty niêm yết trên TTCK Indonesia với vốn hóa thị trường hơn 9 tỷ USD. Tập đoàn này đang vận hành 8 cảng biển chuyên dụng, 19 nhà máy đóng gói và quản lý mạng lưới 361 nhà phân phối tại Indonesia.

Còn Xi măng Thăng Long là một thương hiệu mới, xuất hiện trên thị trường từ năm 2009, nhưng đã nhanh chóng trở thành một trong những công ty sản xuất xi măng hàng đầu tại Việt Nam, với tổng công suất 2,3 triệu tấn xi măng PCB40 mỗi năm. Công ty có nhà máy chính được trang bị hệ thống công nghệ và trang thiết bị đồng bộ, hiện đại của Hãng Polysius (Đức) và luôn chạy với công suất đạt trên 100%.

Ông Dwo Soetjipto, CEO của Semen Gresik đánh giá, Xi măng Thăng Long có nhiều lợi thế. Cụ thể, nhà máy chính nằm cạnh Cảng biển nước sâu Cái Lân tại tỉnh Quảng Ninh, có vị trí gần hệ thống đường thủy nội địa và đường cao tốc liên tỉnh. Việc nằm gần cảng biển quốc tế sẽ giúp cho việc phân phối sản phẩm hiệu quả với chi phí thấp, thậm chí theo tính toán của phía Indonesia , vận chuyển xi măng sang Indonesia , chi phí có thể thấp hơn cả việc vận chuyển tiêu thụ tại Việt Nam . Lợi thế cạnh tranh của Xi măng Thăng Long rất lớn khi chỉ sau 3 năm nhà máy đi vào hoạt động đã trở thành một thương hiệu có tên tuổi trên thị trường trong và ngoài nước, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, ông Dwo Soetjipto còn đánh giá cao tiềm năng của Xi măng Thăng Long với hai dự án nhà máy mới tại Quảng Ninh và Bình Phước, có trữ lượng mỏ sét trên 200 triệu tấn. Ngoài ra, Công ty còn có trạm nghiền xi măng tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, TP. HCM, với mặt bằng rộng, thoáng, gần cảng biển quốc tế.

Thiện chí, sự tích cực, năng động và quyết đoán của Ban lãnh đạo Geleximco trong quá trình trao đổi, thương lượng cùng với sự tư vấn của CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán ABF với tư cách là tư vấn tài chính độc quyền của Geleximco, đã thúc đẩy đối tác sớm hoàn tất các điều kiện trong thỏa thuận. Ngày 18/12/2012, hai bên đã chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, khép lại một thương vụ được đánh giá là ấn tượng nhất trong lĩnh vực M&A của Việt Nam năm 2012.

 

Mới chỉ là sự khởi đầu

Ông Dwo Soetjipto cho biết, Xi măng Thăng Long sẽ trở thành thành viên của Semen Gresik và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được hợp nhất với báo cáo tài chính của Tập đoàn. Trong vài tuần tới, Semen Gresik sẽ cử đại diện tham gia HĐQT và Ban điều hành của Xi măng Thăng Long.

"Còn rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi lạc quan rằng, hợp tác này sẽ đưa Semen Gresik phát triển, giúp Tập đoàn tăng sức cạnh tranh và đem lại giá trị lớn hơn cho cổ đông trong dài hạn", ông Dwo Soetjipto nói.

Sự tham gia của Semen Gresik sẽ đưa Xi măng Thăng Long trở thành một công ty có sự gia tăng mạnh mẽ về năng lực tài chính (vốn điều lệ tăng từ 1.750 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng), về đội ngũ quản lý và về thương hiệu; tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco cho biết, hai bên sẽ hợp tác mở rộng dây chuyền 2 của Nhà máy Xi măng Thăng Long và đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng An Phú tại Bình Phước. Năm 2016, Công ty sẽ đưa 2 nhà máy vào hoạt động, nâng tổng công suất hoạt động của Xi măng Thăng Long lên 6,3 triệu tấn/năm.

Thị trường xi măng Việt Nam đang thừa cung, nhưng thiếu sản phẩm chất lượng cao. Trong khi đó, nhu cầu xi măng của Indonesia từ nay đến năm 2020 được dự báo đạt 100 triệu tấn, mà năng lực sản xuất hiện tại của thị trường này mới đạt trên 40 triệu tấn. Do đó, đầu ra cho Xi măng Thăng Long, cũng như tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp sau khi có sự tham gia của đối tác chiến lược Semen Gresik rất khả quan.

Nhìn một cách rộng hơn, khoản đầu tư của Semen Gresik vào Xi măng Thăng Long thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường xi măng Việt Nam nói riêng, đồng thời sẽ đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam.

 

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Geleximco

"Sự hợp tác đầu tư này sẽ giúp cho Xi măng Thăng Long có được sự hỗ trợ toàn diện về kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm quản lý và đầu tư. Với sự hợp lực của hai cổ đông chiến lược là Semen Gresik - tập đoàn xi măng lớn nhất Indonesia, có bề dày hơn 50 năm kinh nghiệm hoạt động và Geleximco - tập đoàn đầu tư tư nhân năng động và uy tín ở Việt Nam, tôi tin tưởng rằng, Xi măng Thăng Long sẽ phát triển mạnh mẽ và bền vững để trở thành công ty sản xuất xi măng hàng đầu ở Việt Nam”.

 

Ông Dwo Soetjipto, Tổng giám đốc Semen Gresik

"Việc đầu tư vào Xi măng Thăng Long đánh dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển của Semen Gresik để trở thành tập đoàn sản xuất xi măng hàng đầu không những ở Indonesia, mà cả trong khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư này sẽ gia tăng đáng kể khả năng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại thị trường Việt Nam và sự thiếu hụt nguồn cung tại thị trường Indonesia".