Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Nếu để xảy ra vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Nếu để xảy ra vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

An toàn vệ sinh thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu quy trách nhiệm cụ thể

Từ nay, nếu để xảy ra vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là một trong những mối quan tâm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sau khi ông nhậm chức. Bởi thời  gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước vẫn “chưa làm tròn trách nhiệm với nhân dân, xã hội”.

Hội nghị hôm nay (27/4) về vấn đề ATVSTP, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và Bí thư, Chủ tịch 63 tỉnh thành tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến, là một trong những nội dung được Thủ tướng ưu tiên đặt lên bàn nghị sự. Hội nghị diễn ra với tinh thần không nói về thành tích, nói thẳng vào các bất cập, vướng mắc trong quản lý nhà nước về ATVSTP và kiến nghị các giải pháp khắc phục.

Trong tháng 4/2016, Thủ tướng đã chủ trì một loạt cuộc họp xử lý nhiều vấn đề bức thiết như: Biến đổi khí hậu (ngày 17/4), trong đó, tập trung vào các biện pháp ứng phó tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư (ngày 25/4).

Dự kiến ngày 29/4 tới, Thủ tướng sẽ chủ trì cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp.
Đề cập mặt bất cập, hạn chế trong công tác bảo đảm ATVSTP hiện nay, các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều nhất trí rằng: Chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà như phát biểu của Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng, “không xác định được trách nhiệm thì cả làng đều vui”, hay có tình trạng bao che, thông đồng. Hạn chế nữa là kinh phí cho công tác này. Công tác thanh kiểm tra cũng chưa chặt chẽ. Thiếu trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm chưa theo kịp nhu cầu (như kiểm nghiệm chất vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…). Chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. Công tác truyền thông về thực phẩm an toàn và không an toàn còn hạn chế…

Về các giải pháp, các ý kiến đều kiến nghị, giao trách nhiệm cụ thể cho địa phương, nhất là người đứng đầu chính quyền cấp cơ sở như xã, phường; nếu để xảy ra vi phạm ATVSTP trên địa bàn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Tăng chế tài xử phạt; đẩy mạnh thanh kiểm tra và giám sát, mà theo như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, “mỗi lần thanh kiểm tra mạnh mẽ thì vi phạm giảm xuống” và cần duy trì thanh kiểm tra thường xuyên; kiểm soát chặt chất cấm trong chăn nuôi, việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản; cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm để phục vụ cho công tác này; khuyến khích mô hình sản xuất sạch; đẩy mạnh tuyên truyền…

Tại hội nghị, việc xác định trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan nhà nước, bộ, ngành, địa phương được quan tâm thảo luận, làm rõ để “thống nhất nhận thức, thống nhất hành động”, như yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Về vấn đề “một mâm cơm cả 3 bộ quản lý”, theo ý kiến của Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần hiểu một cách rành rẽ theo cách tiếp cận mới là quản lý theo chuỗi sản phẩm, theo Luật An toàn thực phẩm. Ví dụ, mặt hàng rau thì Bộ NN&PTNT quản lý tất cả các khâu, từ sản xuất, phân phối, đóng gói, hay mặt hàng bia thì do Bộ Công Thương quản lý, chứ không phải như trước kia, việc trồng rau do Bộ NN&PTNT quản lý còn đưa rau ra thị trường thì do Bộ Công Thương quản lý và chế biến trong nhà hàng thì do Bộ Y tế quản lý. 

Về phía địa phương, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn. Do đó, như với trường hợp sản phẩm rau nêu trên, nếu được đưa ra chợ thì đã có cơ quan cụ thể chịu trách nhiệm quản lý là chính quyền địa phương.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Không quy trách nhiệm, khó thành công

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn cả uy tín quốc tế của đất nước. Do đó, “chúng ta cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Trước hết, cả hệ thống chính trị các cấp phải vào cuộc, làm tốt công tác này. Thứ hai, xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về ATVSTP. “Nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công”; người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ, phải có bộ máy tổ chức đủ mạnh làm công tác này, huy động các lực lượng như Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… vào cuộc.

Về vấn đề kinh phí, ngoài việc đồng ý để các địa phương ứng trước ngân sách dành cho việc quản lý ATVSTP, thì cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư thiết bị kiểm tra sau đó thu phí và hoàn vốn. Thủ tướng cũng nhất trí cho phép các địa phương chủ động sử dụng tất cả số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm để phục vụ cho công tác này.

Thủ tướng chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự các vi phạm về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm ATVSTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này.

Thủ tướng yêu cầu, trước mắt, lựa chọn loại thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý an toàn thực phẩm.

Sau cuộc họp này, Thủ tướng sẽ ban hành một chỉ thị làm “cây gậy” tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tin bài liên quan