Những lo ngại về tiền gửi của NĐT tại các CTCK đang tăng lên sau câu chuyện của SME

Những lo ngại về tiền gửi của NĐT tại các CTCK đang tăng lên sau câu chuyện của SME

An toàn tiền gửi NĐT, nhìn từ bài học MF Global

(ĐTCK-online) Vụ việc 600 triệu USD của NĐT bị “mất tích” tại Công ty môi giới sản phẩm phái sinh MF Global của Mỹ diễn ra đúng vào lúc những lo ngại về tiền gửi của NĐT tại các CTCK đang tăng lên tại Việt Nam.

>> "Khoảng trống" thông tin về sức khoẻ tài chính CTCK  

>> An toàn hệ thống nhìn từ câu chuyện SME

>> Giữ an toàn hệ thống, UBCK sẽ dùng biện pháp mạnh

>> An toàn tiền gửi nhà đầu tư: Cần một cách làm mới   

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty môi giới sản phẩm phái sinh MF Global đã nộp đơn xin bảo vệ phá sản và cơ quan quản lý phát hiện rằng 600 triệu USD tiền của NĐT bị "mất tích". Vụ việc này thật trùng hợp lại diễn ra đúng vào lúc những tranh luận về chuyện bảo vệ tiền của NĐT, cụ thể là tách bạch tài khoản NĐT khỏi tài khoản tổng của CTCK đang nóng lên tại Việt Nam.

 

Lỗ hổng trong quy định và giám sát

MF Global rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán theo đúng "bài bản" của các tổ chức tài chính những năm gần đây: vay nợ nhiều (theo số liệu vào tháng 6/2011 thì công ty này có tổng nợ 44,4 tỷ USD, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ có 1,4 tỷ USD), mạo hiểm đặt cược và gặp "vận xui" khi nắm giữ danh mục khoảng 6 tỷ USD trái phiếu của các nước châu Âu, phần lớn là của Italia.

Nhưng nếu đơn giản có vậy thì đây cũng chỉ là một nạn nhân nữa của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Vấn đề ở chỗ MF Global là một công ty môi giới lớn trên thế giới về các sản phẩm tài chính phái sinh và bỗng nhiên người ta phát hiện tiền của NĐT mở tài khoản giao dịch với MF Global bị hụt đi một khoản 600 triệu USD (trong số 5,5 tỷ USD trong tài khoản riêng của NĐT).

Câu chuyện "bỗng dưng mất tiền" này gây ra một làn sóng lộn xộn trên thị trường giao sau của Mỹ. Cơ quan quản lý giao dịch giao sau ở Mỹ vào cuộc điều tra MF Global. Nghi vấn đặt ra là công ty này có thể sử dụng số tiền trên để cứu vãn cho các khoản đầu tư hoặc dùng nó để "đắp" vào các tài khoản ký quỹ. Những thông tin hé lộ gần đây cho thấy đây có thể là sự thật.

Tổn hại đối với NĐT trong vụ việc này tất nhiên là lớn. Tuy vị thế đầu tư của họ được chuyển sang các nhà môi giới khác, nhưng lượng tiền để đảm bảo cho các vị thế đó thì lại bị đóng băng do chuyện hụt mất tiền lần này. Tài khoản bị đóng băng càng lâu thì thiệt hại với NĐT càng lớn. Một số nhà phân tích cho rằng, với thị trường giao sau mà nhiều NĐT đang giao dịch, tiền bị đóng băng vài giờ có thể đã đủ để họ phá sản, còn bây giờ câu chuyện này có thể kéo dài… hàng tuần!

Câu chuyện "lạc" mất số tiền 600 triệu USD này đang gây tranh cãi về việc bảo vệ tiền của NĐT ở các công ty môi giới tài chính của Mỹ. Vốn dĩ nước này có những quy định được cho là ngặt nghèo trong chuyện phải tách bạch tài khoản tiền của NĐT và tài sản riêng của công ty. Vấn đề là tùy vào loại nhà môi giới và quy định mà họ tách bạch đến tận gốc các tài khoản của từng NĐT, hay là giữ một tài khoản tổng (pooled account) tập hợp tiền của nhiều khách hàng trong đó.

Đối với các công ty môi giới giao sau như MF Global, họ thường dùng tài khoản tổng. Cách thức quản lý này được cho là vẫn còn tạo ra rủi ro cho NĐT, vì nếu một NĐT bị vỡ nợ và tiền mặt, các khoản cầm cố không bù đắp được khoản lỗ trên vị thế giao dịch, trung tâm thanh toán có thể lấy thêm tiền từ tài khoản tổng để bù vào cho đủ vị thế của NĐT bị vỡ nợ. Như vậy những NĐT chưa vỡ nợ cũng có thể bị tổn thất.

Trước đây, Quỹ đầu tư BlackRock từng đề nghị, nên tách bạch tài khoản cho từng NĐT để đảm bảo mức bảo vệ cao nhất về mặt pháp lý đối với tiền của NĐT trong trường hợp công ty môi giới phá sản. Tuy nhiên, đề xuất này gặp phải những phản ứng lớn từ các công ty môi giới, bởi nếu làm như vậy sẽ tạo ra một lượng lớn tài khoản và những giao dịch hết sức phức tạp, tăng thêm gánh nặng tác nghiệp và thanh toán. Tuy nhiên, sau vụ việc của MF Global thì đề xuất này có thể sẽ tăng thêm sức nặng.

Điều quan trọng hơn cần đặt ra là vì sao MF Global đã qua mặt được quy trình giám sát của hệ thống kiểm soát nội bộ và cơ quan giám sát để làm biến mất 600 triệu USD. Sẽ không có gì lạ nếu ban lãnh đạo của MF Global đã tạo sức ép lên bộ phận kiểm soát nội bộ để bộ phận này làm ngơ trước hoạt động vay mượn quá mức và đầu tư nhiều rủi ro. Tuy nhiên, trong báo cáo kiểm toán độc lập của MF Global do một công ty thuộc Big 4 thực hiện cũng đánh giá là kiểm soát nội bộ của công ty này không có vấn đề gì đáng ngại.

Lỗ hổng của quy trình kiểm soát không chỉ dừng lại ở chuyện kiểm soát nội bộ và kiểm toán độc lập mà còn ở chỗ MF Global đã thực hiện giao dịch chuyển 600 triệu USD từ tài khoản của NĐT sang tài khoản của Công ty mà không bị phát hiện, trong khi hàng tuần và hàng tháng, MF Global đều phải báo cáo về tài khoản cho cơ quan quản lý!

Một yếu tố không thể bỏ qua trong câu chuyện này là CEO của MF Global, Jon Corzine, có mối quan hệ chính trị và kinh doanh rộng lớn. Ông Corzine từng làm việc tại Goldman Sachs cùng với chủ tịch hiện tại của CFTC - cơ quan có trách nhiệm giám sát các nhà môi giới như MF Global. Bản thân vị CEO của MF Global này còn là cựu thống đốc của New Jersey. Vì vậy, khả năng tác động của ông Corzine đến các cơ quan quản lý và kiểm toán độc lập đến đâu và đã ảnh hưởng gì trong vụ phá sản này của MF Global cũng là câu hỏi cần làm rõ.

 

Từ MF Global nhìn sang TTCK Việt Nam

Đề xuất của BlackRock về việc tách bạch tài khoản tổng của NĐT thành những tài khoản riêng cũng tương tự như trường hợp hiện nay trên TTCK Việt Nam. Có ý kiến cho rằng, quy định tách biệt tiền và chứng khoán của NĐT với tiền và chứng khoán của CTCK là khó thực hiện, do vấn đề khó khăn về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và những trở ngại trong triển khai sử dụng đòn bẩy tài chính cho NĐT.

Những lý do này không khác với những lý do mà nhiều công ty môi giới viện ra để chống lại đề xuất của BlackRock. Tuy nhiên, câu chuyện của MF Global đã cảnh báo rằng, khi xảy ra chuyện rồi thì "mất bò mới lo làm chuồng" đã muộn. Chi phí của những bất ổn do chuyện lẫn lộn tiền của NĐT khi một CTCK nào đó vỡ nợ có khi còn vượt quá mức chi phí phải đầu tư cho một hệ thống kỹ thuật đủ khả năng đáp ứng hoạt động tách tài khoản.

Hai lựa chọn khác thay thế cho chuyện tách tài khoản bao gồm, (1) phải tìm kiếm một giải pháp bảo hiểm tương tự như bảo hiểm tiền gửi cho tiền tiết kiệm ở ngân hàng cho tiền gửi của NĐT trong tài khoản tổng của CTCK, hoặc (2) phải yêu cầu nâng mức dự trữ thanh khoản và mức an toàn vốn của CTCK lên, giảm thiểu mức vay nợ của CTCK để hạn chế khả năng vỡ nợ của các đơn vị này ở mức thấp nhất.

Như vậy thì kể cả chưa thực hiện được việc tách bạch tài khoản, ít nhất cũng đảm bảo khả năng vỡ nợ của CTCK ở mức đủ thấp, để hạn chế rủi ro đối với tài sản của NĐT do CTCK nắm giữ. 

Ngoài ra, chuyện của MF Global cho thấy, cho dù có quy định đầy đủ thì hiệu quả giám sát mới là cốt lõi. Cho dù CTCK có phải báo cáo hàng ngày về tình trạng tài khoản đi nữa mà hệ thống giám sát của cơ quan quản lý không hiệu quả thì CTCK cũng dễ qua mặt cơ quan quản lý để lách luật, để rồi khi có chuyện không hay diễn ra thì NĐT lại thấy "bỗng dưng mất tiền". Vì vậy, bảo vệ tiền của NĐT không thể chỉ đạt được bởi những quy định ngặt nghèo, mà còn là khả năng giám sát hiệu quả từ cơ quan quản lý.