Ngân hàng vay tiền của người gửi tiền dựa trên uy tín
Có rất nhiều giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng liên quan đến các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung cấp cho khách hàng. Tuy nhiên, các tài sản thuộc sở hữu mà khách hàng thường sử dụng khi giao dịch với ngân hàng là tiền trong giao dịch tiền gửi và bất động sản trong giao dịch bảo đảm.
Đối với giao dịch tiền gửi, về bản chất là người gửi tiền cho ngân hàng vay tiền và sẽ thu hồi lại sau một thời gian cùng với tiền lãi. Theo thỏa thuận giữa ngân hàng và người gửi tiền và quy định của pháp luật, quyền nhận lại tiền gửi của người gửi tiền là điều hiển nhiên, không thể chối cãi.
Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc VietBank
Về phía ngân hàng, ngân hàng vay tiền của người gửi tiền dựa trên uy tín (không có tài sản bảo đảm), ngân hàng kinh doanh dựa trên uy tín của mình, nhưng trong một số trường hợp, ngân hàng không chấp nhận hoàn trả tiền mà khách hàng đã gửi.
Thông thường, quyền và nghĩa vụ giữa người gửi tiền với ngân hàng được quy định rõ trong hợp đồng tiền gửi và/hoặc trong quy chế, quy định về tiền gửi của ngân hàng được niêm yết tại trụ sở giao dịch của ngân hàng, trong hợp đồng bảo đảm được ký giữa ngân hàng và khách hàng (bên bảo đảm). Tuy nhiên, có những hợp đồng phức tạp, khó hiểu với người gửi tiền, trong đó ngân hàng có nhiều quyền lợi hơn khách hàng.
Các tranh chấp phát sinh giữa ngân hàng và khách hàng thường do một bên cho rằng, hành vi của mình là đúng và chứng minh hành vi của bên còn lại không phù hợp với thoả thuận trong hợp đồng, quy định của pháp luật.
Đối với giao dịch mở thẻ tiết kiệm
Về nguyên tắc, ngân hàng sẽ ký tên, đóng dấu xác nhận đã nhận tiền khách hàng khi ngân hàng nhận đủ tiền từ khách hàng.
Tuy nhiên, khi phục vụ khách hàng VIP tận nơi, ngân hàng thường vi phạm nguyên tắc này. Con dấu của ngân hàng được đóng trước trên thẻ tiết kiệm, người có thẩm quyền của ngân hàng sẽ ký tên trên thẻ tiết kiệm và giao cho nhân viên ngân hàng khi đến gặp khách hàng (việc đóng dấu trước của ngân hàng tương đương với hành vi ký khống của khách hàng được nêu dưới đây). Nhân viên ngân hàng nhận đủ tiền của khách hàng sẽ cung cấp thẻ tiết kiệm cho khách hàng.
An toàn là nguyên tắc đầu tiên khi giao dịch
Đứng ở phía khách hàng, sau khi giao tiền cho nhân viên ngân hàng và nhận thẻ tiết kiệm có đủ con dấu, chữ ký thì giao dịch mở thẻ tiết kiệm xem như đã hoàn tất. Nhưng ở phía ngân hàng, giao dịch này chỉ hoàn tất khi nhân viên nộp tiền về kho quỹ của ngân hàng đúng số tiền đã nhận và ngân hàng hạch toán số tiền nhận được vào hệ thống để quản lý.
Quá trình giao dịch đối với tiền gửi tiết kiệm
Ở phía khách hàng, để thuận tiện trong các giao dịch và tin tưởng nhân viên ngân hàng, khách hàng sẵn sàng ký khống, hoặc vô tình ký tên mà không kiểm tra kỹ nội dung chứng từ nhân viên ngân hàng cung cấp. Hành vi ký khống hoặc không kiểm tra nội dung chứng từ trước khi ký của khách hàng (dù vô tình, hay cố ý) sẽ dẫn đến rủi ro cho chính khách hàng và/hoặc ngân hàng.
Vì vậy, để bảo vệ tài sản của mình khi giao dịch tiền gửi với ngân hàng, người gửi tiền không nên ký khống chứng từ dù bất ký lý do gì, cần kiểm tra kỹ nội dung chứng từ trước khi ký. Mọi giao dịch nên thực hiện tại quầy giao dịch của ngân hàng, vì tại quầy giao dịch của ngân hàng luôn có camera ghi nhận quá trình giao dịch.
Giao dịch bảo đảm đối với tài sản là bất động sản
Bất động sản là tài sản mà khách hàng thường hay sử dụng để giao dịch với ngân hàng để đảm bảo các nghĩa vụ tài chính của chính mình hoặc của bên thứ ba.
Pháp lý đối với giao dịch bảo đảm phức tạo hơn giao dịch tiền gửi tiết kiệm, giao dịch bảo đảm liên quan đến bất động sản phải được chứng thực bởi công chứng viên. Khi thực hiện giao dịch, thông thường công chứng viên sẽ giải thích rõ quyền và nghĩa vụ (chủ yếu là nghĩa vụ) của bên bảo đảm khi thực hiện giao dịch. Trong giao dịch này, bên bảo đảm cần phải nắm và hiểu kỹ phạm vi nghĩa vụ được bảo đảm bằng tài sản - bảo đảm bằng toàn bộ giá trị tài sản hay nghĩa vụ bảo đảm được xác định bằng một số tiền cụ thể.
Về tính chất của nghĩa vụ được bảo đảm, bên bảo đảm cần hiểu rõ, nghĩa vụ bảo đảm phát sinh từ hợp đồng tín dụng từng lần hay hợp đồng tín dụng hạn mức luân chuyển? Đối với hợp đồng tín dụng từng lần, nghĩa vụ bảo đảm sẽ giảm xuống khi khoản nợ được thanh toán.
Đối với hợp đồng tín dụng hạn mức, nghĩa vụ bảo đảm chỉ kết thúc khi hợp đồng tín dụng kết thúc và nghĩa vụ bảo đảm sẽ thay đổi trong hạn mức được bảo đảm bằng tài sản. Trong trường hợp bên bảo đảm không nắm rõ nghĩa vụ mà mình bảo đảm, tính chất của khoản nợ được bảo đảm, thường dễ bị lợi dụng - phải bảo đảm cho nghĩa vụ lớn hơn, phải bảo đảm cho khoản nợ trong một thời gian dài hơn mà mình không biết.
Nói tóm lại, đối với các giao dịch tài sản với ngân hàng, để bảo đảm quyền lợi của mình cũng như ngân hàng, khách hàng nên đọc kỹ các hợp đồng, thỏa thuận, các chứng từ giao dịch để hiểu rõ các quyền của mình, tuyệt đối không ký khống chứng từ và “đi tắt” các quy trình, nguyên tắc giao dịch.