Mô hình Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum
“Phiếu thuận” quan trọng
Đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc bổ sung tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Mạng lưới đường bộ) vừa nhận được “phiếu thuận” quan trọng từ phía cơ quan quản lý nhà nước về giao thông - vận tải (GTVT).
Trong Công văn số 5610/BGTVT-KHĐT gửi UBND 2 tỉnh: Quảng Ngãi và Kon Tum vào cuối tuần trước, Bộ GTVT cho biết, thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 của Quốc hội, Bộ GTVT đang giao Cục Đường bộ Việt Nam rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Mạng lưới đường bộ để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của 6 vùng kinh tế, của một số địa phương theo các nghị quyết của Bộ Chính trị.
Vì vậy, Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi và sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung tuyến đường cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum vào quy hoạch.
“Đề nghị UBND 2 tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Cục Đường bộ Việt Nam cập nhật quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trong quá trình rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, Công văn số 5610, do ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT ký, nêu rõ.
Cần phải nói thêm rằng, trong Quy hoạch Mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2021, không có tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Việc hoạch định kết nối tỉnh Quảng Ngãi với Kon Tum trước mắt chỉ được thực hiện thông qua Quốc lộ 24. Đối với tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Quảng Nam - Đà Nẵng - Ngọc Hồi (Kon Tum), Quy hoạch Mạng lưới đường bộ xác định lộ trình đầu tư sau năm 2030.
Còn nhiều “ẩn số”
Cả 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đều rất mong muốn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sớm được triển khai, bởi hiện nay, Quốc lộ 24 (168 km) là tuyến đường ngắn nhất kết nối 2 tỉnh, kết nối vùng Duyên hải miền Trung với khu vực Tây Nguyên.
Những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, Quốc lộ 24 từng bước được đầu tư, nâng cấp. Tuy nhiên, giai đoạn I mới đầu tư được 106 km, còn hơn 62 km bị hư hỏng, xuống cấp, đi lại khó khăn. Đặc biệt, đoạn qua đèo Vi Ô Lắc có địa hình núi cao, vực sâu, đèo dốc quanh co, gây mất an toàn giao thông. Bên cạnh đó, ngay cả khi đầu tư, nâng cấp đồng bộ theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, thì tuyến quốc lộ này vẫn có nguy cơ trở thành nút thắt lớn trong phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư trên hành lang kinh tế Bờ Y - Kon Tum - Măng Đen - Quảng Ngãi.
Được biết, theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ngãi, tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum có có chiều dài khoảng 135,93 km, điểm đầu giao với cao tốc Bắc Nam phía Đông thuộc địa phận thị xã Đức Phổ (Quãng Ngãi); điểm cuối (khoảng Km135+685) giao với cao tốc Bắc Nam phía Tây thuộc địa phận TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Tuyến này được đề xuất đầu tư xây dựng đạt quy mô 4 làn xe, chiều rộng nền đường 22 - 25,25 m; vận tốc thiết kế 80 - 100 km/giờ.
Với phương án xây dựng như trên, cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum có khái toán tổng mức đầu tư lên tới 44.410 tỷ đồng, trong đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất triển khai đầu tư phân kỳ phân đoạn Quảng Ngãi - Măng Đen (từ Km 0+000 đến Km 79+800) trong giai đoạn trước năm 2030 với quy mô 4 làn xe, chi phí đầu tư 22.901 tỷ đồng, đầu tư hoàn chỉnh sau năm 2050.
Dự kiến, Dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ được kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Trong đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để xây dựng hoàn thành công trình; vốn đầu tư của Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ một số chi phí khác theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức PPP.
Nếu tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum được đưa vào quy hoạch và triển khai đầu tư, thì khu vực Tây Nguyên sẽ có 2 tuyến cao tốc kết nối với Duyên hải Nam Trung bộ, trong đó, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có chiều dài khoảng 117,5 km, tổng mức đầu tư gần 21.000 tỷ đồng, dự kiến được khởi công trong quý II - quý III/2023.
Khác với tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư 100% vốn ngân sách nhà nước, việc đầu tư cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum theo hình thức PPP đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trong việc kêu gọi vốn đầu tư tư nhân, do suất đầu tư 1 km đường của tuyến này khá lớn, lên tới 328 tỷ đồng.
“Nếu không có đột phá về phần vốn góp của Nhà nước so với quy định hiện hành (không vượt quá 50% tổng mức đầu tư) và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu với nhà đầu tư, thì việc hiện thực hóa tuyến cao tốc này trong 10 năm tới là một thách thức rất lớn”, một chuyên gia thuộc Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam nhận xét.
Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, cả 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum đều thống nhất về sự cần thiết của việc sớm đầu tư tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum. Hai tỉnh cũng thống nhất, UBND tỉnh Quảng Ngãi là cơ quan chủ trì đề xuất Bộ GTVT bổ sung tuyến cao tốc nói trên vào Quy hoạch Mạng lưới đường bộ.
“Đây là tuyến cao tốc trục ngang Đông - Tây kết nối cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây; đồng thời sẽ là động lực để từng bước hiện thực hóa hành lang kinh tế Bờ Y - Kon Tum - Măng Đen - Quảng Ngãi”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh.