Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa.

Phối cảnh Cảng hàng không Sa Pa.

Ẩn số tại Dự án PPP Cảng hàng không Sa Pa

Nhiều thông số đầu vào cần tiếp tục làm rõ trong đề xuất phương án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa của UBND tỉnh Lào Cai.

Chông chênh ACV

Cho đến thời điểm này, việc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) tham gia đầu tư Dự án Cảng hàng không Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là chưa thực sự chắc chắn nếu chiểu theo Văn bản số 1513/TCTCHKVN-CTCP vừa được đơn vị này gửi Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT).

Dẫn Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ACV cho rằng, việc nghiên cứu, đầu tư Cảng hàng không Sa Pa là cần thiết.

“Trường hợp được Nhà nước giao nhiệm vụ chính trị triển khai thực hiện đầu tư dự án này, ACV sẽ nghiên cứu, phân tích, cân đối vốn trong kế hoạch trung hạn, dài hạn của doanh nghiệp để tính toán phương án thu xếp vốn đầu tư và báo cáo Bộ GTVT xem xét, chỉ đạo”, ông Võ Anh Tú, Phó tổng giám đốc ACV cho biết.

Quan điểm này của ACV rất khác so với lời khẳng định “có đủ khả năng cân đối nguồn lực để đầu tư nhà ga hành khách Sa Pa công suất 1 triệu lượt khách/năm trong giai đoạn sau năm 2020” được lãnh đạo đơn vị này xác nhận với Bộ GTVT trước đó 6 tháng.  

Trước đó, tại công văn gửi UBND tỉnh Lào Cai, Bộ GTVT cho biết là ủng hộ nghiên cứu phương án UBND tỉnh Lào Cai chủ động huy động vốn để đầu tư các công trình khu bay và hệ thống giao thông kết nối, trong đó ACV tham gia đầu tư xây dựng nhà ga hành khách, sân đỗ máy bay, nhà điều hành..., Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) tham gia đầu tư xây dựng các công trình quản lý điều hành bay để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

 Cảng hàng không Sa Pa được quy hoạch là sân bay cấp 4C và sân bay quân sự cấp II, công suất 2,5 - 3 triệu lượt khách/năm; loại máy bay khai thác là A320, A321 và tương đương. Địa điểm xây dựng là xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Diện tích sử dụng đất là 371 ha.   

“Giao ACV và VATM chủ động cân đối nguồn vốn và phối hợp với UBND tỉnh Lào Cai và các cơ quan chức năng của của tỉnh Lào Cai trong quá trình xây dựng phương án đầu tư có sự tham gia của ACV và VATM”, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo.

Được biết, giữa tháng 9/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã gửi Bộ GTVT đề xuất phương án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Sa Pa với tổng mức đầu tư 5.778,9 tỷ đồng. Trong phương án này, tỉnh Lào Cai đề xuất giao ACV đầu tư nhà ga hành khách công suất 2 triệu lượt hành khách/năm, sân đỗ máy bay, đèn đêm với tổng mức đầu tư 1.724 tỷ đồng; VATM đầu tư hệ thống khu bay trị giá 160 tỷ đồng. Tỉnh Lào Cai và một số nhà đầu tư khác sẽ đầu tư các công trình khu bay, đường giao thông kết nối... với kinh phí 2.861 tỷ đồng.

Những biến số mới

Trong phương án gửi Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2019, UBND tỉnh Lào Cai đã thay đổi đáng kể cơ cấu nguồn vốn xây dựng sân bay này.

Cụ thể, UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hình thức đầu tư kết hợp giữa ngân sách nhà nước theo đầu tư công và theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đối với dự án này.

Trong phương án mới nhất, Lào Cai không đề cập việc phân kỳ đầu tư Dự án, nhưng lại đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét cân đối từ ngân sách Trung ương hỗ trợ để tỉnh đầu tư xây dựng khu bay và đường trục vào cảng với kinh phí là 3.088,781 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư Dự án là 5.903,5 tỷ đồng. Ngân sách địa phương cân đối thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư và rà phá bom mìn với kinh phí là 910,6 tỷ đồng. Phần vốn đầu tư xây dựng các công trình quản lý bay trị giá 131,7 tỷ đồng sẽ do VATM đầu tư.

Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, tỉnh sẽ kêu gọi nhà đầu tư tư nhân đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng và kho nhiên liệu hàng không với chi phí 1.772,43 tỷ đồng theo hình thức BOT.

UBND tỉnh Lào Cai muốn Thủ tướng giao địa phương này là cấp quyết định đầu tư đối với công trình xây dựng khu bay và đường trục vào cảng; là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với công trình xây dụng khu bay và kho nhiên liệu.

“Sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép, UBND tỉnh Lào Cai sẽ triển khai Dự án theo các quy định hiện hành. Bộ GTVT sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Dự án”, ông Phong cho biết.

Theo các chuyên gia, ngoài việc nhà đầu tư chưa lộ diện, khả năng ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 3.088 tỷ đồng cho dự án này thực sự là một biến số khó lường. Trong giai đoạn hiện tại, khi các khoản dự phòng đầu tư công trung hạn đã được phân bổ hết, Lào Cai chỉ có thể trông đợi vào giai đoạn sau năm 2020.

“Do khoản ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Lào Cai chưa chắc chắn, nên sẽ ảnh hướng rất lớn tới phương án tài chính của Dự án Cảng hàng không Sa Pa, ít nhất là trong giai đoạn từ nay đến năm 2020”, một chuyên gia cho biết.

Tin bài liên quan