Lễ động thổ thi công gói thầu XL12 tại Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Lễ động thổ thi công gói thầu XL12 tại Dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Ẩn số tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông

0:00 / 0:00
0:00

Vẫn chưa có gì chắc chắn liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư cho 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông được triển khai theo hình thức PPP.

Lại chuyển đổi

Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào cuối tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, thông qua nội dung dự thảo Báo cáo của Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 triển khai theo hình thức PPP đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Điểm nhấn quan trọng nhất tại công văn này là việc Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư 2 dự án thành phần là đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu (gọi tắt là 2 dự án thành phần).

Cụ thể, Bộ GTVT xin chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức PPP sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 2 dự án thành phần. Các nội dung khác như mục tiêu đầu tư, phạm vi, quy mô đầu tư không thay đổi, không tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Về nguồn vốn đầu tư, Bộ GTVT kiến nghị sử dụng nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vào khoảng 78.461/89.201 tỷ đồng tổng mức đầu tư của 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam.

“Giao Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Báo cáo của Chính phủ và trực tiếp báo cáo, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung liên quan”, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT kiến nghị.

Nếu đề xuất này được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Nhà nước sẽ phải bỏ ra khoảng 14.000 tỷ đồng để đầu tư hoàn chỉnh 2 dự án thành phần, thay vì 4.553 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu.

Trước đó, trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 5 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã phải hủy đấu thầu Dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn do nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.

Bấp bênh

Đây đã là lần thứ hai trong quá trình triển khai Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các cơ quan chức năng phải xem xét chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước.

Vào tháng 6/2020, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc chuyển đổi đầu tư từ PPP sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước đối với 3 dự án thành phần: Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Theo Bộ GTVT, đến nay, thiết kế kỹ thuật, dự toán đã hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng tại 2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã đạt khoảng 92% khối lượng. Đây là điều kiện rất thuận lợi để triển khai thi công ngay trong trong khoảng quý I đến quý II/2021 và có thể hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2023 đồng bộ với các dự án từ Ninh Bình (Cao Bồ) đến Tiền Giang (cầu Mỹ Thuận 2); đồng thời sẽ sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng người dân đã bàn giao để triển khai thi công.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công bảo đảm chắc chắn triển khai thành công Dự án, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng, việc phát hành trái phiếu chính phủ để triển khai đầu tư công trong giai đoạn hiện nay sẽ rất hiệu quả do lãi suất phát hành trái phiếu chính phủ thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động vốn tín dụng.

Mặt khác, sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn Nhà nước. Mặc dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Đối với 3 dự án thành phần được đề xuất có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ GTVT cho biết là Bên mời thầu sẽ tổ chức mở hồ sơ đề xuất về tài chính - thương mại. Sau khi đánh giá về tài chính, Bên mời thầu sẽ trình thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.

Tuy nhiên, ngay cả khi tìm được nhà đầu tư, ký được hợp đồng, khả năng triển khai thành công 3 dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP cũng rất bấp bênh do phải phụ thuộc vào yếu tố thị trường, đặc biệt là khả năng huy động vốn tín dụng để triển khai dự án.

Tin bài liên quan