Nhiều yếu tố chi phối xu hướng giá hàng hóa
Thời gian qua, nhiều dự báo được giới phân tích đưa ra, dòng tiền sẽ chảy vào thị trường một cách chọn lọc hơn, hướng đến những cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng cao và còn dư địa hưởng lợi từ xu hướng tăng giá hàng hoá trong năm 2022.
Tại Talkshow “Chọn danh mục” kỳ 6 của Báo Đầu tư với chủ đề “Tìm cơ hội khi giá hàng hoá leo thang”, diễn ra vào ngày 2/6 vừa qua, ông Dương Đức Quang, Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam chia sẻ góc nhìn về xu hướng của thị trường hàng hóa. Theo đó, thị trường hàng hoá vừa trải qua siêu chu kỳ tăng giá trong gần hai năm và hiện tại, các yếu tố vĩ mô giữ cho giá hàng hoá tăng cao vẫn còn.
Thứ nhất là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các nước trên thế giới vẫn cần thời gian nhất định để hồi phục các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tiếp đến là những bất ổn về địa chính trị, yếu tố này không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”.
“Giá hàng hóa phụ thuộc vào cung - cầu. Thị trường lớn như Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu nới lỏng chính sách chống dịch thì nhu cầu hàng hóa sẽ tăng rất mạnh. Trong tuần trước, giá dầu tăng mạnh chính vì nền kinh tế Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Các mặt hàng khác cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Trung Quốc mở cửa, nhưng mỗi một mặt hàng sẽ có câu chuyện riêng”, ông Quang nói.
Ví dụ được ông Quang đưa ra, phân bón là mặt hàng có tính liên thông cao với giá dầu, vì vậy, khi giá dầu tăng thì giá phân bón cũng tăng. Khi giá phân bón tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá nông sản và khi giá nông sản tăng thì kéo theo toàn bộ nhóm hàng hoá liên quan như lương thực, thực phẩm tăng theo.
Tuy vậy, chuyên gia cho rằng, sắp tới, nếu có những cải thiện trong xung đột địa chính trị, hoạt động khai thác, sản xuất được tăng cường và nguồn hàng cung cấp cho thị trường cũng dồi dào hơn, khi đó giá sẽ ổn định hơn.
Nên đánh nhanh rút gọn?
Tháng 5, trong bối cảnh dòng tiền suy giảm tại hầu hết các nhóm cổ phiếu thì nhóm dầu khí và phân bón lại có diễn biến rất tích cực. Cũng trong nhóm hàng hóa cơ bản, cổ phiếu thép lại “cắm đầu đi xuống”, còn cổ phiếu ngành than không thu hút được dòng tiền.
Phân tích về cơ hội đầu tư vào nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BSC cho rằng, giá dầu là chỉ số giá quan trọng nhất, tác động rất lớn và lan tỏa tới nhiều loại hàng hóa khác nhau, nhưng sẽ có một độ trễ nhất định.
Trong ngành dầu khí, ông Long chia mức độ ảnh hưởng của đà tăng giá dầu thành 3 nhóm: Nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, khi giá dầu tăng, giá xăng gần như lập tức tăng theo, doanh thu sẽ tăng lên; nhóm doanh nghiệp chế biến các sản phẩm dầu, khí - nhóm này cũng được hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thô, có độ trễ hơn nhóm 1 nhưng tương đối gần với nguồn tiêu thụ; nhóm thượng nguồn, liên quan đến việc khai thác dầu khí như PVS, PVD, ảnh hưởng của giá dầu sẽ trễ hơn, vì họ phải có dự án, tăng công suất, tăng công việc thì doanh thu mới tăng.
Trong khi đó, đối với nhóm phân bón, về bản chất, nhóm này sẽ hưởng lợi theo giá dầu, giá dầu tăng thì giá phân bón tăng theo. Nhưng phân bón sẽ có rủi ro về chính sách, khi giá tăng quá cao, Nhà nước sẽ có những chính sách để kìm hãm đà tăng như đề xuất tăng thuế xuất khẩu phân bón mới đây của Bộ Tài chính, để ổn định nguồn cung trong nước.
Đối với nhóm lương thực, ông Khoa cho rằng, do nước ta tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào nên giá khá ổn định, nếu doanh nghiệp xuất khẩu được lương thực với giá tốt thì sẽ hưởng lợi lớn.
Ông Dương Đức Quang lại có góc nhìn khác khi cho rằng, những doanh nghiệp được hưởng lợi khi giá hàng hóa cơ bản tăng chủ yếu là do họ có lượng hàng tồn kho lớn hoặc là những hàng hoá thiết yếu dù giá bao nhiêu cũng vẫn phải sử dụng nên sẽ được hưởng lợi.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam từng chia sẻ, đối với nhóm cổ phiếu theo giá hàng hoá, dòng tiền vẫn có thể xoay vòng khiến nhóm này bật tăng sau nhịp điều chỉnh, bởi giá hàng hóa vẫn có thể neo ở mức cao do căng thẳng địa chính trị leo thang.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, khi chiến sự được dàn xếp, hoà bình lập lại thì "sóng" của nhóm cổ phiếu này sẽ nhanh chóng thoái trào.
Do đó, nhà đầu tư không nên mua đuổi nhóm này khi sự hưởng lợi này chỉ tác động tới giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Đà "ăn theo" có thể chững lại và quay đầu khiến những người đến sau ôm thua lỗ.
Là nhóm được hưởng lợi lớn trong chu kỳ siêu hàng hóa giai đoạn trước, song thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu thép, không ngoại trừ cổ phiếu đầu ngành như HPG trở thành “niềm đau” của không ít nhà đầu tư.
Nếu trót ôm ở vùng đỉnh 57.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư chứng kiến khoản đầu tư bốc hơi gần 40% thị giá. Câu hỏi về triển vọng của nhóm này cũng được nhà đầu tư đặt ra với các chuyên gia tại talkshow của Báo Đầu tư cuối tuần qua.
Theo ông Long, giá thép cũng như nhóm cổ phiếu thép có tính chu kỳ cao. Đại dịch Covid -19 là giai đoạn “hoàng kim” của ngành thép, giá thép tăng nhanh khi nhiều quốc gia đổ tiền đầu tư hạ tầng để kích thích kinh tế tăng trưởng, trong khi các doanh nghiệp ngành này đã tồn kho nguồn nguyên liệu giá rẻ giai đoạn trước, khiến lợi nhuận cao đột biến.
Nhưng sau đó, những yếu tố bất lợi với ngành cũng chuyển dần vào, như nguyên liệu đầu vào dần tăng lên, trong khi giá bán ra chững lại vì sức cầu giảm sút.
“Ngành thép 10 năm qua cũng có tình trạng như vậy. Cứ 3 - 4 năm ổn, sau đó 1 năm hoặc hơn 1 năm sẽ bất lợi, nhiều thông tin ngược chiều, giá cổ phiếu đi xuống”, ông Long nói.
Vì chu kỳ của ngành thép dài như vậy, nên ông Long cho rằng, nếu đầu tư vào cổ phiếu ngành thép giai đoạn này thì sẽ khó kỳ vọng nhịp tăng trong vòng 2 - 6 tháng tới.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Đầu tư, Công ty Chứng khoán Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư, giá hàng hóa có lúc lên lúc xuống và cổ phiếu cũng sẽ có diễn biến tương tự, việc đầu tư vào nhóm này nên “đánh nhanh rút gọn”.