Ngày 1/5 vừa qua, Changpeng Zhao (CZ), nhà sáng lập của sàn giao dịch tài sản số Binance đã bị Tòa án quận phía Tây Washington, Mỹ kết án 4 tháng tù giam dù đã nộp khoản tiền phạt lên tới 4,32 tỷ USD từ cuối năm 2023 vì các tội danh liên quan đến rửa tiền.
Cụ thể, các công tố viên đánh giá CZ và Binance sử dụng nền tảng giao dịch tiền số của mình như “miền tây hoang dã” và “chào đón tội phạm” để che giấu dòng tiền một cách tùy ý, trốn tránh các yêu cầu chống rửa tiền theo Đạo luật Bảo mật Ngân hàng (BSA) được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua năm 1970.
Binance bị cáo buộc đã không báo cáo hơn 100.000 giao dịch đáng ngờ, được cho là liên quan đến các nhóm khủng bố IS, cũng như nhận các khoản tiền số đến từ hoạt động bất hợp pháp như tấn công ransomware hay buôn bán nội dung ấu dâm.
Mặc dù án tù 4 tháng là thấp hơn nhiều so với mức đề nghị 36 tháng trước đó của các công tố viên, song bản án này vẫn đạt được mục tiêu của tòa án Mỹ. Đây là bài học cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài sản ảo và là hồi chuông cảnh tỉnh cho các tổ chức, cá nhân hiện đang hoạt động liên quan đến lĩnh vực này.
Tại Việt Nam, theo ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, dù tài sản ảo chưa có khung pháp lý cụ thể, nhưng các hoạt động này đã được quy định một phần trong một số văn bản quy phạm pháp luật khác như Bộ Luật Dân sự năm 2015 (Điều 105, tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản). Bộ Tư pháp cũng nhiều lần khẳng định rằng tài sản ảo có thể được coi là một loại quyền tài sản. Đó là quyền phái sinh từ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu “bản quyền” chương trình tạo ra bởi công nghệ blockchain.
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có công văn số 02/CT-NHNN chỉ đạo hệ thống cung ứng dịch vụ thanh toán “phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán cho mục đích mua bán, trao đổi tiền ảo hoặc sử dụng tiền ảo như phương tiện thanh toán”.
Theo ông Phan Đức Trung, việc xây dựng khung pháp lý cho Tài sản ảo (VA) và Nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) có thể tiếp cận theo 4 tiêu chí của Hội đồng Đại tây dương (Atlantic Council) đó là: Thuế, Chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT), Bảo vệ người dùng và Tiêu chuẩn VASP.
Căn cứ vào 4 tiêu chí kể trên, từ tháng 12/2023, Hội đồng Đại tây dương đã khảo sát tại 60 quốc gia về chính sách với tài mã hoá (VA). Với 4 tiêu chí này, Hội đồng đại tây dương phân loại 60 quốc gia này thành 3 loại chính sách: chính sách hợp pháp, chính sách cấm một phần và chính sách cấm.
Theo đó, tính tới, có 32/60 quốc gia có chính sách VA hợp pháp, 19/60 quốc gia cấm một phần và 8/60 quốc gia cấm. Đặc biệt, 10 quốc gia thuộc nhóm G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đều là thuộc nhóm 32/60 có chính sách hợp pháp với tài sản mã hoá (VA).
Tính tới thời điểm tháng 5/2024, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức 4 hội thảo - tọa đàm, góp ý Xây dựng Khung pháp lý quản lý VA-VASP với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của chính cộng đồng trong việc xây dựng môi trường lành mạnh, thúc đẩy ngành công nghệ Blockchain phát triển mạnh mẽ, bền vững.
Bên cạnh đó, từ tháng 5/2023, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã công bố và tích cực thúc đẩy chương trình ChainTracer nhằm nhận diện, cảnh báo các dự án có dấu hiệu lừa đảo và hỗ trợ cộng đồng trong việc tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về VA-VASP.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt ban hành theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ, đến tháng 5/2025, khung pháp lý về VA-VASP sẽ chính thức được ban hành để điều chỉnh hoặc cấm loại hình tài sản mới này.