Tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc lớn vào các quốc gia ở thượng nguồn. Trong ảnh: Khô hạn tại ĐBSCL

Tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc lớn vào các quốc gia ở thượng nguồn. Trong ảnh: Khô hạn tại ĐBSCL

An ninh nguồn nước và bài toán xuyên biên giới

0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam phụ thuộc nhiều vào lượng nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, là thách thức lớn đối với an ninh nguồn nước quốc gia.

Hoạt động phát triển tại thượng nguồn các lưu vực sông quốc tế có tác động bất lợi đến các vùng hạ du lưu vực sông ở nước ta, nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Vấn đề trên được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại phiên giải trình "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập", được Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức đầu tuần này.

Tới 63% lượng nước ngoài tầm kiểm soát

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, nguồn nước mặt sản sinh trong lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm 37% tổng lượng nước mặt của quốc gia. Nguồn nước sản sinh từ bên ngoài lãnh thổ, từ các quốc gia thượng nguồn lưu vực sông chiếm tới 63%. Lượng nước này hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động khai thác, sử dụng tại các quốc gia ở thượng nguồn.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp đã nêu một số ví dụ điển hình trên thế giới, liên quan đến nhu cầu phát triển dẫn đến mâu thuẫn trong chia sẻ, sử dụng nguồn nước giữa các quốc gia, giữa các vùng địa bàn nằm trên lưu vực sông liên quốc gia, sông quốc tế.

“Đối với các vùng hạ du lưu vực sông nằm ở Việt Nam, việc các quốc gia ở thượng nguồn những con sông quốc tế triển khai đầu tư xây dựng, hoặc có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông, dự báo sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du tại Việt Nam, đặc biệt là Vùng ĐBSCL, Đồng bằng sông Hồng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói về các thách thức đối với Việt Nam.

Cụ thể hơn, ông Cường nêu rõ, trên thượng nguồn sông Đà, sông Thao, sông Lô thuộc lãnh thổ nước ngoài đã xây dựng nhiều bậc thang hồ chứa thủy điện, hiện đã đưa vào vận hành khai thác nhiều công trình, tác động đến biến đổi dòng chảy về Việt Nam đã được ghi nhận.

Theo Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, trên dòng chính sông Mê Kông, ở phần thượng lưu đã xây dựng nhiều bậc thang hồ chứa thủy điện với tổng dung tích trữ lên đến hàng chục tỷ m3 nước. Khi các công trình thủy điện hoàn thành xây dựng, đi vào vận hành sẽ có tác động bất lợi vô cùng lớn, không thể đảo ngược đến chế độ dòng chảy, phù sa, chất dinh dưỡng, môi trường, sinh kế người dân vùng ĐBSCL. Dự kiến lượng phù sa về ĐBSCL có thể giảm 97% ở thời điểm năm 2040, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu con số đáng báo động.

Cần tiếp tục đấu tranh

Có đến 63% nguồn nước phụ thuộc vào bên ngoài, vậy hợp tác quốc tế đã đủ chủ động chưa, đủ tích cực chưa, đủ để đảm bảo an ninh nguồn nước chưa? Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Tiến đặt câu hỏi với cả Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, hợp tác quốc tế về an ninh nguồn nước chưa được như yêu cầu. Ông Cường nhấn mạnh, với hoạt động của Ủy hội sông Mê Kông như hiện nay thì Việt Nam chưa có đầy đủ số liệu cần thiết.

“Nếu không chia sẻ số liệu và thông tin cần thiết, đại hồng thủy đến thì làm thế nào, phải tiếp tục đấu tranh, kiến nghị để có được thông tin theo đúng yêu cầu của hợp tác quốc tế”, Bộ trưởng Cường nêu quan điểm.

Cho biết là mới đây, Việt Nam nhiều lần muốn nước được xả về hạ lưu sông Mê Kông mà không được, ông Cường kiến nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Bộ Ngoại giao tiếp tục đấu tranh để có được quyền lợi chính đáng.

Trả lời cùng câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận, trong hợp tác quốc tế hiện nay cơ chế pháp lý hết sức lỏng lẻo, chủ yếu là thỏa thuận. Đây là vấn đề rất khó.

Tuy nhiên, về lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải tiếp tục kiên trì để các hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này có tính pháp lý cao hơn.

Hoạt động khai thác nước tại khu vực thượng nguồn sẽ ngày một gia tăng, chia sẻ nguồn nước có thể là vấn đề các nước sử dụng để đàm phán đổi lại các lợi ích.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống vào trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa XIII cũng như trong các văn kiện đại hội của các địa phương. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng về đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là đối với nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.

Nguy cơ mất an ninh nguồn nước là hiện hữu

Nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập của Việt Nam là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai. Việt Nam có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hàng năm hiện nay khoảng 830 tỷ m3, nhưng 63% nguồn nước mặt tạo ra bởi các lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ. Trong đó có 2 con sông lớn là sông Cửu Long thì 90% lưu vực sông nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam, sông Hồng là trên 50%. Do đó, có thể nói, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào lưu vực các con sông bắt nguồn từ nước ngoài.

Chúng ta gặp khó khăn trong việc chủ động quản lý, khai thác nguồn nước như tổng lượng dòng chảy, chế độ dòng chảy, nguồn phù sa, nguồn lợi thủy sản tự nhiên… chưa kể đến việc ứng xử của một số quốc gia ở thượng nguồn làm ảnh hưởng đến nguồn nước chảy vào Việt Nam. Khi cần thì thiếu nước, khi không cần thì lại thừa nước. Thực tế tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL có nguyên nhân một phần là do thiếu nước đầu nguồn.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Tin bài liên quan