An ninh năng lượng

0:00 / 0:00
0:00
Dứt khoát không để khủng hoảng năng lượng, bảo đảm cung ứng đủ điện cả trước mắt và lâu dài- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 3/4 vừa qua.
An ninh năng lượng

Sở dĩ người đứng đầu Chính phủ kiên quyết đưa ra yêu cầu trên là bởi điện đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2022 như Quốc hội đề ra. Điều này càng quan trọng khi số hóa hay cách mạng công nghiệp 4.0 - những đòn bẩy chính yếu để tạo ra năng suất cao, hay thay đổi về chất cho các hoạt động kinh tế, thu hút đầu tư - đều cần nguồn cung điện ổn định để vận hành.

Trước khi Covid-19diễn ra, tăng trưởng điện thương phẩm cả nước năm 2019 là 8,87%, nhưng vẫn thấp hơn nếu so với mức tăng trưởng liên tục đạt mức 2 con số giai đoạn 2011-2018.

Vào nửa cuối năm 2019, không ít lo ngại về nguồn cung điện không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế, bắt đầu gây thiếu điện cục bộ đã được nhắc tới khi những người am hiểu lĩnh vực này chứng kiến sự khó khăn trong triển khai các dự án điện theo quy hoạch.

Song cuối cùng, mọi việc chưa diễn ra như lo ngại.

Điều này không phải vì phía nguồn cung điện được bổ sung thêm nguồn mới có quy mô lớn và ổn định, không phụ thuộc vào sự biến động của thời tiết, mà đơn giản là vì nhu cầu về điện giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Năm 2020 và 2021, tăng trưởng điện thương phẩm cả nước giảm mạnh, xuống mức tương ứng 3,45 và 3,85%. Dẫu vậy, mùa hè 2021, miền Bắc cũng chứng kiến cảnh phải cắt điện tại một số thời điểm và tại một số khu vực bởi nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Việc tiết giảm phụ tải ở miền Bắc mùa hè năm 2021 dẫu là “tình huống cực đoan, nghiêm trọng” và phải thực hiện để đảm bảo vận hành an toàn cho hệ thống điện quốc gia, nhưng về sâu xa là do miền Bắc không có thêm nguồn điện mới tại chỗ đủ để bù đắp nhu cầu tăng trưởng rất cao ở khu vực này.

Việc cắt điện cục bộ đã diễn ra trong điều kiện công suất nguồn điện cả nước khi đó đạt gần 70.000 MW, trong khi nhu cầu phụ tải đỉnh dù tăng cao, nhưng mới ở mức khoảng 43.000 MW. Nghĩa là về lý thuyết, nguồn thì dư, nhưng trên thực tế lại không có điện.

Đó là bởi mặt trời không sáng về đêm, trong khi không có bộ lưu điện; nước không nhiều cho thủy điện chạy; nước làm mát của các nhà máy điện than cũng bị nóng, nên nhà máy không phát huy hiệu suất như thiết kế, hay truyền tải điện từ miền Trung và miền Nam ra Bắc bị giới hạn bởi công suất đường dây…

Tháng 4 này, trong khi chưa có nguồn bổ sung mới như kỳ vọng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, khi đường dây mới để tăng năng lực truyền tải ra miền Bắc chưa có, hay việc mua điện công suất lớn từ Trung Quốc không dễ, thì việc cấp điện phải đương đầu thêm với nỗi lo mới. Đó là than không đủ cho phát điện.

Dĩ nhiên, nếu ứng xử theo quy luật kinh tế thị trường ở cả khâu giá than cho điện và giá điện bán ra thị trường thì có thể nhanh chóng nhập về khi trong nước không có than. Vào năm 2020, mỗi tấn than nhiệt trị 5.000 kCal có giá khoảng 80 USD, nay giá đã cao gấp khoảng 2,5 lần, trong khi đó, mức giá bán lẻ điện 1.864,44 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) được quy định từ tháng 3/2020 “bất động” cho tới nay. Khi chấp nhận mua điện từ giá than đầu vào cao, mà giá điện đầu ra vẫn bất động, thì đơn vị mua buôn điện duy nhất hiện nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ gặp khó khi cân đối tài chính.

Báo cáo chi phí giá thành sản xuất điện năm 2020 do Bộ Công thương công bố đầu tháng 3/2022 cho thấy, với doanh thu bán điện thương phẩm năm 2020 là 394.892,09 tỷ đồng, thì EVN lỗ 1.307 tỷ đồng trong sản xuất, kinh doanh điện. Khi giá điện than chịu áp lực của giá than thế giới, khi giá điện mặt trời, điện gió mà nhà đầu tư bán cho đa phần đều cao hơn giá điện bán lẻ mà EVN được bán ra, thì đơn vị chủ lực lo điện cho nền kinh tế này hẳn nhiên sẽ không có lực đầu tư nguồn điện mới nhằm cấp điện ổn định, an toàn nền kinh tế.

Như vậy, muốn thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng cường tính tự chủ, tự lực, tự cường của ngành điện, giảm phụ thuộc vào bên ngoài, giảm nhập khẩu, thì cần có giải pháp trước mắt, tình thế, lẫn giải pháp căn cơ, lâu dài. Ngoài nỗ lực tự thân của ngành điện như kêu gọi khách hàng lớn ở miền Bắc hợp tác sử dụng điện tiết kiệm hợp lý, khẩn trương triển khai các dự án đã đủ thủ tục… rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan hữu trách, bởi việc giữ nguyên giá điện trong khi các chi phí đầu tư biến động mạnh theo thị trường thế giới, chắc chắc sẽ càng làm khó yêu cầu cấp điện an toàn, ổn định về lâu dài.

Tin bài liên quan