Theo đó, báo cáo trước Quốc hội của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong giai đoạn 2010 - 2015, các vụ án hình sự khởi tố có xu hướng giảm dần nhưng quy mô, tổ chức, tính chất ngày càng nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn cho xã hội.
Trong đó, phát hiện nhiều vụ án lớn về tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng làm thất thoát tài sản nhà nước với số lượng rất lớn. Các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động tiếp tục tăng và xuất hiện nhiều tranh chấp có yếu tố nước ngoài; khiếu kiện hành chính diễn biến phức tạp.
Trong 5 năm, ngành kiểm sát đã thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết hơn 97% tin tố giác, tin báo về tội phạm, hạn chế tình trạng quá hạn giải quyết. Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 337.474 vụ/539.564 bị can; ở giai đoạn truy tố là 275.380 vụ/498.622 bị can.
Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện, khởi tố 150 vụ án, tăng 92,3% so với giai đoạn 5 năm trước đó, trong đó có nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến làm oan người vô tội.
Riêng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, viện kiểm sát các cấp đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi, chỉ đạo. Kết quả cho thấy, việc giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ đã có nhiều tiến bộ; thời gian giải quyết nhanh hơn, xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đáng chú ý, Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phát hiện, khởi tố 150 vụ án, tăng 92,3% so với giai đoạn 5 năm trước đó, trong đó có nhiều vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp dẫn đến làm oan người vô tội, một số vụ án về tham nhũng, chức vụ trong chính ngành tư pháp.
Chẳng hạn, vụ bị can Ngô Văn Anh, nguyên Chánh Tòa kinh tế, TAND TP. Hải Phòng nhận hối lộ; vụ bị can Nguyễn Duy Hiệp, nguyên Chánh án TAND huyện Thanh Liêm, Hà Nam; vụ bị cáo Phạm Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP. Hội An, Quảng Nam nhận hối lộ.
Đối với công tác xét xử, trong 5 năm qua, các tòa án đã giải quyết hơn 1,7 triệu vụ án, đạt 98,5%; số vụ án còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.
Số lượng các vụ án mà tòa án phải thụ lý giải quyết rất lớn và liên tục gia tăng, tính chất các vụ án ngày càng phức tạp. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, các vụ án về kinh tế, tham nhũng đã được các tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Trong quá trình xét xử, khi phát hiện căn cứ cho rằng có dấu hiệu bỏ lọt hành vi phạm tội hoặc người phạm tội, tòa án đã thực hiện quyền tư pháp, kiên quyết yêu cầu khởi tố vụ án hoặc khởi tố thêm bị can. Việc xử phạt tù nhưng cho bị cáo được hưởng án treo, nhất là các bị cáo phạm tội về tham nhũng được giám sát chặt chẽ.
Đánh giá về công tác kiểm sát và tòa án 5 năm qua, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội ghi nhận những nỗ lực và kết quả của các ngành tư pháp nhưng cũng cho rằng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, trong 5 năm, ngành tòa án vẫn để xảy ra 3 trường hợp kết án oan người không có tội.
Tình trạng quá thời hạn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật do lỗi chủ quan của tòa án vẫn còn tồn tại. Tỷ lệ các bản án, quyết định của tòa án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán có giảm nhưng chưa nhiều. Ở một số tòa án vẫn còn xảy ra trường hợp cán bộ, công chức tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, kỷ luật công vụ, vi phạm pháp luật.
Ủy ban Tư pháp đánh giá tiến độ và chất lượng truy tố nhiều vụ án kinh tế, chức vụ và tham nhũng còn hạn chế, thời gian giải quyết kéo dài do bị tòa án trả hồ sơ nhiều lần; số trường hợp đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự đối với các bị can phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng còn nhiều so với các loại tội phạm khác.
Mặc dù cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã khởi tố, điều tra hàng trăm vụ án, bị can là cán bộ ngành tư pháp song số lượng này, theo Ủy ban Tư pháp, vẫn chưa tương xứng với tình hình vi phạm, tiêu cực trong hoạt động tư pháp theo phản ánh của dư luận cử tri.
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn để nhiều vụ bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, có vụ bị tòa án cấp phúc thẩm hủy án yêu cầu điều tra lại; chưa chủ động thụ lý điều tra một số trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam chết có dấu hiệu bị nhục hình, một số vụ làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra quyết định trái pháp luật để trục lợi.