Tình trạng này sẽ chấm dứt nhờ án lệ số 06, vừa được Tòa án nhân dân Tối cao ban hành.
Hơn 20 năm đi kiện
Án lệ là vụ kiện chia thừa kế khiến người ta phải thở dài ngao ngán khi kéo dài đến hơn 20 năm. Nguyên đơn là một ông lão sinh năm 1938, khởi kiện từ năm 1993 khi ông còn ở độ tuổi trung niên. Đến khi vụ án được giải quyết, đã là hơn 20 năm sau, khi ông đã ngót nghét 80 tuổi.
Khi cha mẹ ông Hưng (nguyên đơn) mất, để lại một căn nhà ở phố Đồng Xuân (Hà Nội) và không có di chúc. Cha mẹ ông Hưng có 6 người con, 3 người đã xuất cảnh ra nước ngoài, ngôi nhà do 3 người còn lại sử dụng, quản lý.
Năm 1993, ông Hưng đệ đơn yêu cầu Tòa án chia thừa kế. Vụ án được xét xử sơ thẩm, bị đơn kháng cáo, án phúc thẩm hủy án sơ thẩm. Xét xử sơ thẩm lần hai, nguyên đơn kháng cáo, lần này án phúc thẩm đình chỉ giải quyết vụ án.
Năm 2006, khi Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia được ban hành, Tòa phúc thẩm đã tiếp tục giải quyết vụ án. Lần này, tòa cấp phúc tiếp tục hủy án sơ thẩm.
Khi vụ án được giải quyết sơ thẩm lần 3, Tòa án một lần nữa đình chỉ giải quyết vụ án. Ông Hưng tiếp tục kháng cáo. Tòa cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm.
Vụ kiện được giải quyết sơ thẩm lần 4, Tòa án yêu cầu ông Hưng cung cấp cung cấp các tài liệu là tên, tuổi, địa chỉ người thừa kế của vợ chồng ông Đường – một trong các anh em đang ở nước của ông Hưng và đã mất.
Do ông Hưng không cung cấp được tài liệu trên, Tòa án ra quyết định đình chỉ vụ án. Ông Hưng lại kháng cáo..
Lần này, Tòa cấp phúc thẩm bác kháng cáo của ông Hưng.
Ông Hưng tiếp tục đề nghị Giám đốc thẩm.
Năm 2013, sau 20 năm kể từ ngày ông Hưng đệ đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định kháng nghị đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Quyết định phúc thẩm, hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án; giao hồ sơ vụ án giải quyết lại sơ thẩm.
Quyết định giám đốc thẩm này đã được lựa chọn làm án lệ. Điều này cho thấy vụ kiện của ông Hưng mang tính điển hình và còn nhiều trường hợp tương tự.
Phần ai nấy hưởng
Luật sư Vũ Ngọc Chi (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận xét đây là án lệ rất có ý nghĩa đối với việc giải quyết các vụ án đang tồn đọng trên cả nước. Nguyên nhân là do không có căn cứ chứng minh người thừa kế ở nước ngoài còn sống hay đã chết và cũng không tìm được con cái của người này.
Từ trước đến nay các vụ việc như vậy hoàn toàn bị chìm vào quên lãng vì việc ủy thác tư pháp với những người liên quan ở nước ngoài gần như không có hồi âm. Trong khi số lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài rất lớn, trải rộng mọi miền đất nước. Thân nhân trong nước của họ cũng chỉ biết quốc gia nơi họ cư trú mà không có địa chỉ chính xác.
Từ trước đến nay các vụ việc như vậy hoàn toàn bị chìm vào quên lãng vì việc ủy thác tư pháp với những người liên quan ở nước ngoài gần như không có hồi âm.
Với án lệ này, việc thu thập chứng cứ về người thừa kế định cư ở nước ngoài thuộc về Tòa án. Tòa án phải thực hiện thủ tục ủy thác tư pháp theo quy định, thu thập chứng cứ đối với người thừa kế này để làm rõ thời điểm chết và nếu người chết có người thừa kế thì hỏi họ về quan điểm giải quyết vụ án.
Tòa án sẽ giải quyết vụ án trên cơ sở chứng cứ thu thập được, trên kết quả ủy thác tư pháp.
Nếu không thu thập được chứng cứ, Tòa án vẫn phải giải quyết yêu cầu chia thừa kế để nguyên đơn được hưởng thừa kế theo pháp luật, phần thừa kế của những người ở nước ngoài chưa liên hệ được, tạm giao cho những người đang sống trong nước quản lý để sau này người thừa kế của họ có quyền hưởng theo pháp luật. Như vậy mới giải quyết dứt điểm vụ án.