TTCK chính thức hoạt động được 13 năm với những thăng trầm phản ánh quy luật của nền kinh tế thị trường. Từ đây, một tầng lớp doanh nhân với tài sản được thừa nhận một cách công khai bằng số lượng cổ phần mà họ đang nắm giữ tại các DN niêm yết. Tuy nhiên, những biến động phức tạp của thương trường cùng với một khung pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ và kịp thời đã khiến cho không ít doanh nhân “ngã ngựa”. Những hành vi vi phạm pháp luật sẽ được Tòa án phán xử, nhưng việc bắt tạm giam các doanh nhân thời gian qua khiến cho TTCK nhiều khi phản ứng thái quá, mà hậu quả là toàn thị trường cùng thiệt hại (nhất là các NĐT nhỏ). Vậy, trong các vụ án kinh tế, thay vì biện pháp tạm giam vốn phổ biến hiện nay, liệu có thể áp dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản hoặc tiền với một thủ tục tố tụng rút gọn đối với những người có ảnh hưởng?
Người có ảnh hưởng phạm tội: Nhìn từ “sự kiện bầu Kiên”
Ngày 23/8/2012, ba ngày sau sự kiện bắt bầu Kiên, sự phản ứng thái quá của NĐT khiến cho vốn hóa TTCK Việt Nam giảm 80.150 tỷ đồng, tương đương 3,85 tỷ USD.
Sau sự cố chưa có tiền lệ như vậy xảy ra ở một TTCK còn non trẻ và dễ tổn thương, nhiều NĐT đã đề nghị UBCK phải có biện pháp mạnh trấn an thị trường. Ngoài việc yêu cầu Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Sở GDCK và các đơn vị liên quan phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, đã có đề xuất UBCK hoàn toàn có thể tính đến giải pháp tạm ngừng giao dịch một vài phiên, để mọi việc sáng tỏ hơn và NĐT bình tâm trở lại.
Trong sự kiện này, cách phản ứng của cơ quan quản lý nhà nước (NHNN và UBCK) có thấy sự khác biệt. ACB là một ngân hàng, khi xảy ra sự cố bầu Kiên, NHNN đã lên tiếng trấn an người gửi tiền, các khách hàng của ACB cũng như toàn hệ thống ngân hàng (thậm chí NHNN còn cam kết đứng sau, hỗ trợ thanh khoản cho ACB). Nhưng ACB cũng là DN niêm yết, cơ quan quản lý TTCK mà cụ thể là UBCK, Sở GDCK Hà Nội chưa có những động thái thực sự kịp thời trong việc bảo vệ NĐT trước sự cố bầu Kiên. NĐT mất tiền không phải vì lướt sóng, vì trục lợi bất chính, hay vì những lý do nào khác mà vì TTCK bị trượt dốc theo trào lưu, theo sự phản ứng thái quá và với họ, đó là điều khó chấp nhận. Cần lưu ý rằng, ông Nguyễn Đức Kiên nằm trong danh sách 100 người giàu nhất sàn chứng khoán, dù xếp hạng đã giảm mạnh xuống vị trí 24 (2012) so với 14 (2011).
Thế chân bằng tiền thay cho tạm giam?
Việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm đối với những người có ảnh hưởng phạm tội không phải là điều mới mẻ tại các nước phát triển. Tại các nước này, khi có sự kiện pháp lý xảy ra đối với những người có ảnh hưởng (đến DN/tổ chức, TTCK…) thì hệ thống tư pháp nhập cuộc một cách nhanh chóng và phối hợp thống nhất để giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực của những người có ảnh hưởng có thể gây ra đối với những bên có liên quan, nhất là với sự phản ứng của TTCK. Thông thường, việc quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay cho tạm giam sẽ được quyết định bởi thẩm phán (có thể tiến hành ngay trong 24h sau khi có quyết định khởi tố vụ án, bị can).
Nguyên tắc chung của hệ thống tư pháp bất kỳ quốc gia nào là “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”. Người có ảnh hưởng cũng không nằm ngoài quy định này. Cái mà cơ quan tư pháp hưởng lợi từ việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay cho tạm giam là giảm thiểu sự quá tải và chi phí tốn kém của việc giam giữ, nhưng vẫn bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp. Đương nhiên, các đối tượng cũng có thuận lợi vì thay cho việc bị tạm giam và không được tiếp xúc với luật sư thì họ có thể chủ động thu thập bằng chứng bảo vệ mình trước tòa (nhiều bằng chứng chỉ có họ mới biết được lưu giữ ở đâu), cũng như giải quyết các sự cố do hành vi của mình gây thiệt hại cho hình ảnh và uy tín của DN/tổ chức. Người có ảnh hưởng ngoài việc phải đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm với mức do thẩm phán quyết định từng trường hợp, còn có thể bị áp dụng việc đeo thêm các thiết bị giám sát điện tử/chip theo dõi, có kết nối trực tiếp với cảnh sát và định vị toàn cầu phòng trường hợp cố tình bỏ trốn. Họ cũng phải có mặt tại Tòa án hoặc cơ quan công tố bất kỳ lúc nào khi có triệu tập. Ví dụ, với tổng cộng 6 triệu USD tiền bảo lãnh (1 triệu USD tiền mặt, 5 triệu USD trái phiếu) và giao kèo với Toà án, cựu Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss - Kahn đã được toà án ở New York cho phép tại ngoại có điều kiện.
Tại Việt Nam, liên quan đến vấn đề này, hiện một dự thảo thông tư liên tịch do liên ngành Bộ Tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng soạn thảo đã hoàn thành việc lấy ý kiến và dự kiến ban hành trong thời gian tới. Theo dự thảo này, biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế cho biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 93 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ đặt tiền hoặc tài sản để bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập.
Biện pháp này được quy định trên cơ sở kế thừa và sửa đổi quy định tại Điều 76 của BLTTHS năm 1988. Mặc dù đã qua hơn 20 năm áp dụng, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào quy định chi tiết điều kiện, mức tiền, trình tự thủ tục, cơ quan có trách nhiệm, chế độ quản lý tiền, tài sản bảo đảm… Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp không ít khó khăn trong việc áp dụng và trong thực tế, biện pháp này cũng được áp dụng một cách hãn hữu, hiệu quả không cao.
Biện pháp bảo đảm này trên thực tế là để thực hiện chủ trương “hạn chế việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can trong một số loại tội” được đề ra trong Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 của Bộ Chính trị, BLTTHS năm 2003 đã mở rộng phạm vi áp dụng của biện pháp này để áp dụng chung cho mọi bị can, bị cáo, bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài. Bên cạnh đó, để bảo đảm tính hiệu quả và khả thi, BLTTHS năm 2003 quy định rõ, việc áp dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm phải được tiến hành trên cơ sở căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo (xem Bảng 2).
Trong BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009) dành hẳn Chương 16 với 35 Điều (từ Điều 153 - 181, có 6 điều bổ sung năm 2009) quy định về nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, trong đó có những tội danh mà người có ảnh hưởng rất dễ phạm phải như: Buôn lậu, Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tội lập quỹ trái phép; nhóm tội phạm về chứng khoán. Từ những quy định tại Dự thảo này, chúng tôi cho rằng, riêng với đối tượng là người có ảnh hưởng phạm tội thuộc nhóm tội trên, cơ quan tố tụng nên chú trọng vận dụng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay cho tạm giam để tránh những tác động của những người này đến TTCK (nhất là khi họ nắm các chức vụ quản lý tại các công ty đại chúng, niêm yết), hoặc có tầm ảnh hưởng đến TTCK. Đương nhiên, khi áp dụng, cơ quan tố tụng (Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan điều tra) có thể đưa ra một quy trình “rút gọn” (ví dụ trong 24h, kể từ khi có quyết định khởi tố bị can) để quyết định ngay mức đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay cho tạm giam đối với họ.
Bên cạnh đó, đối với các vụ án kinh tế, cần áp dụng mức đặt tiền hoặc tài sản có giá trị để bảo đảm thay thế biện pháp tạm giam cao hơn so với các loại tội phạm khác. Nên chăng, các cơ quan ban hành thông tư có thể nghiên cứu áp dụng mức đặt tiền đảm bảo tối đa là 2 tỷ đồng - tương đương mức xử phạt hành chính tối đa - đối với các nghi phạm trong vụ án kinh tế.