Án kinh tế: hình sự hóa quan hệ dân sự
Trong kỳ giám sát (2012 - 2014), các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, điều tra 219.506 vụ việc, với 338.379 bị can, nhưng số vụ làm oan người vô tội trong 3 năm có 71 trường hợp. Cơ quan điều tra đã đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Viện kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội; 19 trường hợp Tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Có nhiều trường hợp bị oan thuộc loại án về kinh tế, khởi tố không đúng với bản chất của hành vi khách quan. Nguyên nhân là do chủ quan của người tiến hành tố tụng nhận thức không đúng, áp dụng pháp luật máy móc, chỉ chú ý đến hậu quả thiệt hại xảy ra, chưa đánh giá đúng ý thức chủ quan để phân biệt giữa vi phạm pháp luật về dân sự, kinh tế với hành vi phạm tội; không xem xét lỗi và điều kiện khách quan dẫn đến hành vi vi phạm.
Do đó, đã hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau đó hầu hết các trường hợp này phải đình chỉ điều tra vì người bị khởi tố, điều tra (thậm chí bị bắt giam) không thực hiện hành vi phạm tội.
Chẳng hạn, vụ Trần Thị Bích Liên (Lâm Đồng) bị khởi tố, điều tra, bắt giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Hồ sơ vụ án thể hiện bà Liên một mình đứng ra xin dự án và tổ chức thực hiện việc xây chợ Bảo Lộc.
Việc bà Liên thu số tiền trên của các tiểu thương tuy có sai phạm về thủ tục tài chính, kế toán nhưng để sử dụng vào việc xây chợ Bảo Lộc, không có việc chiếm đoạt. Năm 2013, Viện Kiểm sát phải đình chỉ vụ án. Việc khởi tố, bắt giam bà Liên về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là không đúng bản chất hành vi khách quan, đã hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Hay vụ Đặng Công Văn, Bùi Văn Quỳnh (Bình Phước) đã thi hành xong quyết định xử lý hành chính, xử lý kỷ luật được hơn 3 năm vẫn bị khởi tố về tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Năm 2014, vụ án phải đình chỉ. Việc khởi tố, xử lý hình sự trên là sai vì đã xử lý 2 lần cùng một hành vi vi phạm pháp luật.
Bỏ lọt tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp, qua giám sát cho thấy, việc đình chỉ điều tra miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Nhiều vụ án tham ô, cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, mua bán hóa đơn, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… thường được vận dụng các tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả, người bị hại rút đơn… để đình chỉ điều tra.
Đối với cơ quan công tố và kiểm soát tư pháp, trong kỳ, Viện KSND các cấp đình chỉ 1.382 vụ/2.599 bị can, trong đó đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội, đình chỉ 41 bị can do hành vi không cấu thành tội phạm. Số trường hợp đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự bị can phạm tội về kinh tế, chức vụ, tham nhũng chiếm tỷ lệ cao, nhất là ở Viện KSND tối cao.
Qua giám sát cho thấy, có nơi còn vận dụng tình tiết “bị hại rút đơn và xin miễn trách nhiệm hình sự cho bị can” để đình chỉ bị can về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” trong khi các tội phạm này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
Cũng có trường hợp, quyết định hình phạt quá nhẹ hoặc kiểm sát viên đề nghị cho bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng trong các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng được hưởng án treo là không đúng pháp luật, thiếu nghiêm minh (như vụ Nguyễn Đại Tuyên ở Quảng Bình tham ô gần 96 triệu đồng và gây thất thoát 212 triệu đồng được hưởng án treo).
Đối với cơ quan xét xử, trong kỳ giám sát, có 455 bị cáo được Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, sau đó Tòa án cấp phúc thẩm chuyển sang hình phạt tù do vi phạm các điều kiện về án treo. Một số trường hợp cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm để giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo hưởng án treo thiếu căn cứ, nhất là đối với các vụ án về kinh tế, chức vụ, tham nhũng.
Qua hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá có một phần nguyên nhân là do người tiến hành tố tụng yếu kém phẩm chất, đạo đức. Có nhiều trường hợp bị xử lý hình sự về tội xâm phạm hoạt động tư pháp như làm sai lệch hồ sơ vụ án; ra bản án, quyết định trái pháp luật; dùng nhục hình, nhận hối lộ..., nhưng chỉ xử lý kỷ luật, thuyên chuyển công tác hoặc cho về hưu sớm.