Tata Electronics sẽ hợp tác với Công ty bán dẫn Đài Loan PSMC để xây dựng nhà máy sản xuất tấm wafer bán dẫn 12 inch đầu tiên của Ấn Độ. Ảnh minh họa: Pixabay
Học hỏi kinh nghiệm
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đặt ra nhiều mục tiêu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của nước này, với mục tiêu mới nhất và lớn nhất là nâng quy mô ngành này từ mức hiện tại là 155 tỷ USD lên 500 tỷ USD vào năm 2030.
Mục tiêu trên đã thu hút sự chú ý của các phân tích trong ngành. Mặc dù đưa ra nhiều quan điểm trái chiều, nhưng họ đều có chung một nhận định rằng: Ấn Độ không thể tự mình đạt được mục tiêu phát triển công nghiệp bán dẫn.
"Mặc dù tốc độ phát triển có vẻ nhanh và có động lực, nhưng Ấn Độ mới chỉ bắt đầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn từ con số 0", bà Eri Ikeda, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu quản lý thuộc Viện Công nghệ Ấn Độ Delhi, đánh giá.
Đài Loan (Trung Quốc) hiện là nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, nắm giữ khoảng 44% thị phần toàn cầu, tiếp theo là Trung Quốc đại lục (28%), Hàn Quốc (12%), Mỹ (6%) và Nhật Bản (2%), theo dữ liệu từ công ty tư vấn Trendforce.
Ông Rishi Bhatnagar, Chủ tịch Hội đồng công nghệ tương lai thuộc Viện Kỹ thuật và Công nghệ (Ấn Độ), cho biết công ty bán dẫn Đài Loan PSMC sẽ giúp công ty Tata Electronics của Ấn Độ xây dựng nhà máy sản xuất tấm wafer bán dẫn kích thước 12 inch đầu tiên của nước này tại bang Gujarat.
Đại diện Viện Kỹ thuật và Công nghệ cũng cho biết, hãng chip Mỹ Micron Technology sẽ cho ra mắt sản phẩm chip bán dẫn đầu tiên do Ấn Độ sản xuất vào năm 2025.
Ngoài ra, nhà sản xuất chip Mỹ Analog Devices và Tata Group tuần trước đã ký một thỏa thuận để tìm hiểu về việc sản xuất chất bán dẫn tại Ấn Độ. Những hoạt động hợp tác nói trên là cần thiết để Ấn Độ hiện thực hóa tham vọng cường quốc bán dẫn của mình.
Ấn Độ ngày càng được xem là một lựa chọn thay thế khả thi của các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc, do lo ngại rủi ro địa chính trị. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ trước tiên cần phải học hỏi kinh nghiệm trước khi có thể cạnh tranh với Trung Quốc, bởi ngành công nghiệp bán dẫn của Ấn Độ vẫn còn rất non trẻ.
Trung Quốc đã giành lại vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ trong năm tài chính 2024, với kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 118,4 tỷ USD. Dữ liệu từ Bộ Ngoại giao cho thấy kim ngạch nhập khẩu linh kiện viễn thông và điện thoại thông minh từ Trung Quốc của Ấn Độ đã đạt 4,2 tỷ USD.
"Ấn Độ còn kém xa Trung Quốc về sản xuất chất bán dẫn. Mặc dù Ấn Độ có thể chạy nhanh và bắt kịp, nhưng Trung Quốc sẽ chạy nhanh hơn", ông Bhatnagar nói thêm, đồng thời nhấn mạnh rằng sự hợp tác thay vì cạnh tranh giữa hai nước là điều tối quan trọng.
"Ngay cả Trung Quốc cũng đang nỗ lực bắt kịp những tiến bộ công nghệ của TSMC (hãng chip của Đài Loan - BTV) và các công ty khác, đồng thời xây dựng và mở rộng quy mô ngành công nghiệp chất bán dẫn của mình bằng cách nhập khẩu một lượng lớn thiết bị từ Mỹ và Nhật Bản", bà Ikeda cho biết.
Hợp tác với Mỹ
Mặc dù Ấn Độ vẫn phải phụ thuộc nhiều vào nhà sản xuất chip hàng đầu Đài Loan và Trung Quốc, nhưng quốc gia Nam Á này cũng có kế hoạch tiếp tục hợp tác với Mỹ.
Đầu tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố sẽ hợp tác với hãng chip Ấn Độ India Semiconductor Mission và cơ quan chính phủ về điện tử và công nghệ của Ấn Độ để cải thiện chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.
Động thái này diễn ra chỉ ba ngày trước khi chính quyền Tổng thống Biden đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với các công nghệ quan trọng, bao gồm máy tính lượng tử và hàng hóa bán dẫn, một động thái có khả năng kiềm chế những tiến bộ của Bắc Kinh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính.
Đối với Mỹ, Ấn Độ có thể giúp họ đa dạng hóa các nguồn chip và giảm bớt sự phụ thuộc vào Đài Loan, theo ông Bhatnagar.
"Họ đang đầu tư vào một quốc gia được bầu cử dân chủ với khuôn khổ pháp lý và số lượng người nói tiếng Anh ngày càng tăng. Vì vậy, khi hai nền dân chủ thảo luận, đó là một loại thảo luận rất khác. Và chúng ta cần chấp nhận và nhất trí rằng điều này là cần thiết khi các kịch bản toàn cầu đang thay đổi", ông Bhatnagar lưu ý.
Đầu tuần này, Thủ tướng Modi đã tiếp một loạt giám đốc điều hành các "ông lớn" công nghệ, trong đó có Chủ tịch và CEO của Nvidia và CEO của Google, sau khi tham dự cuộc họp thường niên của Bộ Tứ kim cương (Quad) tại New York.
Chủ tịch và CEO của Nvidia, ông Jensen Huang, cho rằng "đây là thời cơ của Ấn Độ", đồng thời cam kết sẽ hợp tác với Ấn Độ, theo tờ Hindustan Times. Giám đốc điều hành của các công ty bán dẫn khác như Thomas Caulfield của GlobalFoundries và Lisa Su của AMD cũng đã tham dự cuộc gặp với Thủ tướng Modi.
Các nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ tập trung phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn có thể giúp thúc đẩy vị thế của Mỹ trong "cuộc chiến chip" đang diễn ra với Trung Quốc và sau cùng là giúp ích cho quốc gia này.
"Ấn Độ sẵn sàng tận dụng các khoản đầu tư của Mỹ và thậm chí là của Trung Quốc để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình, điều này có thể sẽ cạnh tranh với họ nếu thành công", bà Ikeda phân tích.
Tuy nhiên, bà Ikeda lo ngại hiện vẫn còn nhiều rào cản trước khi Ấn Độ có thể thực sự cạnh tranh với Trung Quốc về chip bán dẫn, đặc biệt là khi nói đến cơ sở hạ tầng và đầu tư.
"Chúng tôi đang khuyến khích [ngành] bán dẫn đi theo cách làm lớn. Chúng tôi đã bắt đầu xây dựng hệ sinh thái, điều này rất cần thiết trước khi chúng tôi có thể thấy ngày càng nhiều xưởng đúc vào nước này để sản xuất chip", ông Piyush Goyal, Bộ trưởng Công thương Ấn Độ trả lời phỏng vấn của đài CNBC.
Tận dụng ưu thế
Mặc dù Ấn Độ vẫn còn chặng đường phải đi trước để trở thành cường quốc bán dẫn, nhưng nước này có những lợi thế nhất định. Trước tiên, chi phí lao động thấp giúp Ấn Độ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc. Đơn cử, mức lương tối thiểu hàng tháng tại New Delhi dành cho công nhân lành nghề là 21.215 rupee Ấn Độ (tương đương khoảng 253,85 USD), trong khi con số này ở Bắc Kinh là 2.420 nhân dân tệ (344,30 USD).
"Nếu Ấn Độ có thể phát triển hơn về mặt công nghệ và đáp ứng nhu cầu toàn cầu với các sản phẩm giá rẻ và chất lượng tương xứng, thì họ sẽ có lợi thế cạnh tranh so với Trung Quốc", bà Ikeda nhận định.
Goldman Sachs dự báo Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2075. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã thu hút các "đại bàng" công nghệ như Apple và Google và những công ty này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng sản lượng tại Ấn Độ.
"Apple hiện đang xuất khẩu nhiều mặt hàng từ Ấn Độ hơn là bán tại quốc gia này. Thị trường nội địa rộng lớn và dân số trẻ là lợi thế của Ấn Độ", ông Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu tại công ty nghiên cứu công nghệ toàn cầu Counterpoint Research, đánh giá.
Sự lạc quan đó là có cơ sở khi Ấn Độ tiếp tục đạt được những bước tiến đáng kể trong việc kết nối hạ tầng và hiện đại hóa đường cao tốc, đường sắt và sân bay.
Trong phân bổ ngân sách tạm thời vào tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman ước tính chi tiêu vốn của nước này sẽ tăng 11,1% lên 11,11 nghìn tỷ rupee Ấn Độ (133,9 tỷ USD) trong năm tài chính 2025, chủ yếu tập trung vào việc xây dựng đường sắt và sân bay.
"Ngành công nghiệp bán dẫn không cần nhiều tàu hàng và hàng hóa lớn như vậy. Chip bán dẫn là những mặt hàng nhỏ có thể vận chuyển bằng máy bay với số lượng lớn", ông Bhatnagar cho biết.
Với nhu cầu chip bán dẫn ngày càng tăng trong bối cảnh bùng nổ công nghệ AI, Ấn Độ có thể là giải pháp cho nhiều công ty muốn giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu thị trường.