Ấn Độ ủng hộ vai trò trung tâm và tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

0:00 / 0:00
0:00
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ngày 23/4, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar nhấn mạnh rằng, thông qua hợp tác chặt chẽ hơn, Ấn Độ và các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) có thể đóng một vai trò quan trọng trong cấu trúc khu vực mới nổi của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AĐD-TBD).
Ấn Độ ủng hộ vai trò trung tâm và tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn tương lai ASEAN lần đầu tiên, Ngoại trưởng Jaishankar nêu rõ: “Chúng tôi ủng hộ sự thống nhất, vai trò trung tâm và tầm nhìn của ASEAN về AĐD-TBD. Ấn Độ thực sự tin rằng một ASEAN mạnh mẽ và thống nhất có thể đóng vai trò mang tính xây dựng trong cấu trúc khu vực mới nổi của AĐD-TBD”.

Theo ông, “Sức mạnh tổng hợp giữa Sáng kiến AĐD-TBD (IPOI) của Ấn Độ và Tầm nhìn ASEAN về AĐD-TBD (AOIP) vốn được phản ánh trong tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN-Ấn Độ, cung cấp một khuôn khổ hợp tác mạnh mẽ, trong đó liệt kê ra các thách thức đối với an ninh toàn diện cũng như phương pháp giải quyết những thách thức này”.

Viện dẫn Hội nghị thượng đỉnh G20 do Ấn Độ tổ chức vào năm ngoái dưới vai trò chủ tịch nhóm, Ngoại trưởng Jaishankar cho biết đã đến lúc các nước khu vực Nam Bán cầu đảm nhận vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế. Ông cho rằng “ngày nay, một châu Á đa cực và một thế giới đa cực ngày càng trở nên rõ ràng. Điều này làm nổi bật vai trò ngày càng quan trọng của ASEAN và Ấn Độ trong việc giải quyết thực tế của trật tự thế giới mới nổi. Điều này đặt ra nhu cầu hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn giữa Ấn Độ và ASEAN”.

Nhấn mạnh đến Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), ông Jaishankar bày tỏ quan ngại trước những thách thức an ninh ngày càng gia tăng ở AĐD-TBD, cho rằng điều quan trọng là quyền tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở phải được tất cả các nước tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi. Bên cạnh đó, ông nêu rõ UNCLOS cung cấp một khuôn khổ pháp lý toàn diện và được coi là hiến pháp của các vùng biển, trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương phải được thực hiện.

Diễn đàn Tương lai ASEAN khai mạc ngày 23/4 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Việt Nam.

Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm”. Sự kiện năm nay nhằm mục đích thúc đẩy một cộng đồng doanh nghiệp ASEAN gắn kết và năng động trong kỷ nguyên số.

Tin bài liên quan