Ấn Độ tung gói ưu đãi 2 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất công nghệ phần cứng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hôm thứ Tư (17/5), Ấn Độ đã công bố kế hoạch khuyến khích tài chính trị giá 170 tỷ rupee (2 tỷ USD) nhằm thu hút các nhà sản xuất máy tính xách tay, máy tính bảng và phần cứng khác đến nước này khi các công ty tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
Ấn Độ tung gói ưu đãi 2 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất công nghệ phần cứng

Thủ tướng Narendra Modi đang tận dụng thành công ban đầu của Apple tại đây để đưa quốc gia này trở thành một trung tâm sản xuất toàn cầu khả thi. New Delhi muốn có thêm hoạt động sản xuất công nghệ đến Ấn Độ sau cuộc chiến thương mại của Mỹ với Trung Quốc.

Apple vẫn chưa bắt đầu sản xuất máy tính xách tay, iPad hoặc MacBook ở Ấn Độ, nhưng những ưu đãi mới có thể thúc đẩy Apple cân nhắc những động thái như vậy. Các nhà sản xuất khác có thể tận dụng các biện pháp mới bao gồm Dell Technologies, HP và Asustek Computer.

Vào năm 2021, Ấn Độ đã khởi động một chương trình trị giá 73,5 tỷ rupee để đẩy mạnh sản xuất trong nước và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm công nghệ như máy tính xách tay, máy tính bảng và máy tính cá nhân, nhưng nỗ lực đó đã không thu hút được các công ty do họ cho rằng các ưu đãi quá nhỏ.

Kế hoạch này là chìa khóa cho tham vọng của Ấn Độ trở thành cường quốc trong chuỗi cung ứng điện tử toàn cầu, với mục tiêu đạt sản lượng hàng năm trị giá 300 tỷ USD vào năm 2026, và kế hoạch khuyến khích này sẽ kéo dài trong 6 năm.

Thứ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin Ấn Độ, Rajeev Chandrasekhar cho biết: “Điều này sẽ tạo thêm động lực cho các công ty thành lập cơ sở sản xuất của họ ở Ấn Độ”.

MAIT, một cơ quan quan trọng trong ngành đại diện cho các nhà sản xuất như Apple, Dell và Samsung đã hoan nghênh động thái này và cho biết, kế hoạch sẽ giúp đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm công nghệ thông tin cũng như thúc đẩy xuất khẩu.

Ali Akhtar Jafri, Tổng giám đốc của MAIT cho biết: “Chúng tôi tin rằng kế hoạch này sẽ giúp lĩnh vực phần cứng công nghệ thông tin đạt được mức độ thành công tương tự như Ấn Độ đã có với ngành sản xuất điện thoại thông minh".

Tin bài liên quan