Caisse de dépôt et placement du Québec (CDPQ), quỹ lương hưu của Canada vừa có khoản đầu tư 600 triệu USD vào Edelweiss Group với mục tiêu rót vốn vào các tài sản tại thị trường nợ xấu của Ấn Độ. Trong khi SSG Capital Management Ltd của Hong Kong, cũng như các quỹ nước ngoài bao gồm Oaktree Capital Group LLC và Varde Partners vẫn kiên định với việc tham gia sâu hơn vào thị trường đầy tiềm năng này.
Hiện tại, hệ thống ngân hàng của Ấn Độ đang phải đối mặt với khoảng 201 tỷ USD các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, kết quả từ các chính sách nới lỏng khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, kéo theo nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Để giải quyết khối nợ này, Chính phủ Ấn Độ đã ban hành Quy tắc Phá sản và vỡ nợ vào năm 2016, trở thành luật đầu tiên của Ấn Độ về vấn đề phá sản.
Mức lợi nhuận tiềm năng cao từ các thương vụ thu mua tài sản bảo đảm, tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp gặp khó khăn đã thu hút các quỹ đầu tư. Giám đốc đầu tư Soo Cheon Lee của SC Lowy Financial HK Ltd đánh giá, lợi suất hàng năm mà các thương vụ này mang lại có thể lên tới khoảng 15%.
“Hiện tại, sự thay đổi dễ nhận thấy là có nhiều khoản nợ xấu có thể mua được và sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp đối diện với bài toán tái cấu trúc. Các quỹ đầu tư nước ngoài nhìn thấy giá trị và tiềm năng lớn từ các loại tài sản này và sẵn sàng đổ tiền vào”, Pallavi Gopinath Aney, người đứng đầu lĩnh vực tài chính tại Baker McKenzie Wong & Leow nhận định.
Nội dung chính của Quy tắc Phá sản và vỡ nợ là trao cho nhà băng công cụ để giải quyết các món nợ xấu tồn đọng, giải quyết dứt điểm khối nợ khổng lồ. Đồng thời, tạo ra một quy trình thúc đẩy hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo, vốn bị ách tắc ở nhiều khâu. Theo số liệu từ Ngân hàng Thế giới, Ấn Độ xếp thứ 103 trong danh sách các quốc gia có khả năng giải quyết tình trạng vỡ nợ tốt, khi quốc gia này mất nhiều thời gian hơn so với nhiều nền kinh tế khác để giải quyết vấn đề vỡ nợ, phá sản.
Theo Quy tắc Phá sản và vỡ nợ, chủ nợ của doanh nghiệp gặp tình trạng khó khăn trong việc trả các khoản nợ có thể nộp hồ sơ lên tòa án. Tòa án sẽ lắng nghe tranh luận giữa hai bên, nếu đúng là doanh nghiệp không thể trả nợ, cơ quan này sẽ đóng băng các tài sản, đưa ra các yêu cầu trong việc thanh toán, chỉ định các chuyên gia độc lập tham gia quá trình phá sản của doanh nghiệp.
Các chuyên gia này kêu gọi các kế hoạch mua tài sản, tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp của người mua, trong quá trình 180 ngày, có thể mở rộng thêm 90 ngày. Nếu các kế hoạch không được chủ nợ đồng ý, tòa án sẽ tuyên công ty phá sản và bắt đầu quá trình phát mại tài sản.
Hiện tại, đa phần các doanh nghiệp tại Ấn Độ đều gặp rắc rối với các khoản nợ trong giai đoạn 2007 - 2008 và ngày càng khó hơn trong việc trả nợ khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, chính phủ đưa ra chính sách thắt chặt, tòa án hủy các giấy phép khai khoáng và cung cấp khí đốt, lãi suất tăng lên. Trong kế hoạch xử lý nợ dài hơi, Chính phủ Ấn Độ quyết định sẽ nhanh chóng bán đi các tài sản đảm bảo cho những khoản nợ lớn nhất, với giá trị khoảng 63 tỷ USD trong năm nay.
Trong số các tài sản đem bán, nhiều tài sản thuộc về các doanh nghiệp thép, điện lực, đóng tàu và xây dựng có sức hấp dẫn lớn với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, bao gồm ArcelorMittal, nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới và tỷ phú Anil Agarwal thuộc lĩnh vực khai thác tài nguyên.