Đi kèm với đó là các chuyến hàng chở dầu từ Ả Rập Xê Út sang Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021, số liệu từ phân tích dữ liệu vận chuyển của Vortexa cho biết.
Lượng dầu nhập khẩu từ Iraq cũng giảm dần xuống dưới 1 triệu thùng mỗi ngày.
Ấn Độ nhập khẩu lượng dầu cao kỷ lục từ Nga trong tháng 5. Nguồn: Vortexa. |
Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (MCI), chi phí trung bình để mua một thùng dầu thô của Nga bao gồm cả chi phí vận chuyển đến bờ biển Ấn Độ trong tháng 4 là 68,21 USD/thùng. Đó là mức thấp nhất kể từ khi quốc gia này bắt đầu mua khối lượng lớn dầu thô từ Nga kể từ sau cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine hồi đầu năm ngoái.
Chi phí trung bình để nhập một thùng dầu thô của Ả Rập Xê Út đến Ấn Độ trong tháng 4 là 86,96 USD/thùng, trong khi chi phí trung bình để nhập khẩu một thùng dầu thô của Iraq là 77,77 USD/thùng.
Số liệu giá nhập khẩu trung bình một thùng dầu trong tháng 5 dự kiến sẽ được công bố vào tháng tới, nhưng giá trung bình này còn có thể sẽ giảm hơn nữa do giá dầu Brent đã giảm gần 9% trong tháng 5.
Theo Serena Huang, một nhà phân tích tại Vortexa, “các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ có nhu cầu mạnh mẽ đối với dầu thô của Nga do dầu của nước này giá tốt hơn rất nhiều so với nguồn cung từ Trung Đông”.
Cô cho biết thêm, nhu cầu mua dầu Urals và Sokol của Nga đang tăng mạnh và tổng khối lượng nhập khẩu dầu Urals và Sokol có thể còn tiếp tục tăng nhanh trong tháng 6 và tháng 7.
Trước đó, Ả Rập Xê Út, thủ lĩnh không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), đã bày tỏ sự không hài lòng với Nga vì nước này không thực hiện đúng cam kết hạn chế sản lượng dầu để đáp trả các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đã áp lên Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.
Hồi đầu tháng 4, Ả Rập Xê Út, Nga và các thành viên OPEC+ khác tuyên bố sẽ tự nguyện giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu. Về phần mình, Ả Rập Xê Út đã bắt đầu cắt giảm sản lượng từ tháng 5. Nhưng các số liệu mới nhất cho thấy Nga vẫn bơm dầu khối lượng lớn ra thị trường, làm gia tăng sự dư thừa nguồn cung dầu trên thị trường toàn cầu.
Giá dầu thế giới hiện đã giảm khoảng 10% so với thời điểm đầu tháng 4, bất chấp những can thiệp của Ả Rập Xê Út và các nước OPEC để chặn đà giảm của giá dầu.