Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn với các khoản ưu đãi trị giá 10 tỷ USD. Ảnh: AFP.
Thu hút đầu tư từ những "gã khổng lồ"
Tương tự như Mỹ, Ấn Độ đang tìm cách xây dựng các liên minh chiến lược xung quanh chất bán dẫn, một công nghệ thiết yếu phục vụ sản xuất các thiết bị điện tử thông minh hiện nay.
Ấn Độ đã và đang có nhiều động thái để thu hút các hoạt động xuất chất bán dẫn tại nước này bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi.
Vấn đề đặt ra cho các quốc gia đang tìm cách nâng cao năng lực sản xuất chất bán dẫn là các công ty và nền kinh tế thống trị ngành công nghiệp này rất ít và cách xa nhau. Đơn cử, Đài Loan và Hàn Quốc chiếm khoảng 80% thị trường khuôn đúc chip bán dẫn toàn cầu.
Ấn Độ thường không nằm trong danh sách các quốc gia hàng đầu về chất bán dẫn. Vì vậy, quốc gia này không có nhiều công ty chất bán dẫn quy mô lớn và chắc chắn càng không có công ty sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, phát biểu trên đài CNBC mới đây, ông Pranay Kotasthane, Giám đốc Chương trình địa chính trị công nghệ cao tại Viện nghiên cứu chính sách công Takshashila (Ấn Độ), cho biết: "Tôi nghĩ Ấn Độ đóng một vai trò quan trọng".
Mặc dù Ấn Độ chưa có các công ty sản xuất chất bán dẫn nội địa, nhưng kế hoạch của chính phủ nước này đề ra đang dựa vào việc cố gắng thu hút các "gã khổng lồ" nước ngoài.
Cuối năm ngoái, Ấn Độ đã đưa ra kế hoạch thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn với các khoản ưu đãi trị giá 10 tỷ USD, với trọng tâm là thu hút các công ty nước ngoài và phát triển các lĩnh vực mà quốc gia này đang có lợi thế.
Tận dụng thế mạnh
Thực tế cho thấy yêu cầu lượng vốn lớn, thời gian thiết lập nhà máy và sự không chắc chắn về môi trường kinh doanh, thuế và thương mại thường đã khiến các công ty không chọn Ấn Độ là "đại bản doanh" trong những năm qua. "Những nỗ lực trước đây của Ấn Độ đã thất bại vì lo ngại về những vấn đề này", ông Kotasthane cho biết.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang thay đổi.
Ông Neil Shah, đối tác cấp cao tại Công ty tư vấn công nghệ Counterpoint Research (Hong Kong) cho rằng: "Thành tích không lớn nhưng chính phủ mới (Ấn Độ) đã đi đúng hướng… với chính sách tạo động lực và thu hút những công ty bán dẫn dẫn hàng đầu".
Ấn Độ đang sở hữu những thế mạnh có thể đưa quốc gia này trở thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu. "Thế mạnh của Ấn Độ là thị trường tiêu thụ nội địa khổng lồ khi nói đến chất bán dẫn, là quốc gia đông dân thứ hai thế giới", ông Shah phân tích.
Nhà phân tích này cũng tin rằng, các kế hoạch ưu đãi đầu tư của Ấn Độ sẽ phát huy tác dụng. "Bên cạnh đó, Ấn Độ có vô số kỹ sư tài năng với khả năng nói tiếng Anh tốt và lực lượng lao động rẻ hơn nên chi phí cạnh tranh", ông Shah nói thêm.
Lao động được đào tạo tốt và chi phí tiền lượng cạnh tranh có thể giúp Ấn Độ giữ vai trò nhất định trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, cụ thể là thiết kế chip - một lĩnh vực đòi hỏi một số lượng lớn lao động lành nghề.
"Tôi không nghi ngờ gì về việc Ấn Độ đóng một vai trò lớn (trong ngành công nghiệp bán dẫn)", ông Kotasthane nhấn mạnh. Chuyên gia này cho rằng Ấn Độ có tiềm lực con người để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, bởi thiết kế chất bán dẫn đòi hỏi một số lượng lớn các kỹ sư lành nghề và đây chính là điểm mạnh của Ấn Độ.
Ông Kotasthane cũng cho biết, trong số các hãng chất bán dẫn lớn nhất trên thế giới, đã có 8 đơn vị đặt cơ sở thiết kế chip ở Ấn Độ. Ở giai đoạn đầu, Ấn Độ đang cố gắng thúc đẩy các công ty trong nước phát triển công nghệ.
"Những gì chúng ta thấy là chính phủ Ấn Độ đang cố gắng thực hiện bước đi tiếp theo. Chúng tôi có các trung tâm thiết kế của các công ty nước ngoài, nhưng không có nhiều sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực này... bởi các công ty nước ngoài đang nắm chúng. Do vậy, bước tiếp theo là nỗ lực xây dựng một hệ sinh thái trong đó có một số tài sản trí tuệ do các công ty Ấn Độ nắm giữ", ông Kotasthane lưu ý.
Sản xuất tập trung vẫn là vấn đề khó
Thiết kế chip là lĩnh vực mà các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ có thể gặt hái thành công trong chuỗi cung ứng, còn khâu sản xuất vẫn là trở ngại đối với quốc gia đông dân thứ hai thế giới.
Trong số các dòng chip tiên tiến nhất hiện nay, chẳng hạn như chip dùng cho điện thoại thông minh, TSMC của Đài Loan vẫn đang thống trị mảng này.
Ấn Độ chưa có bất kỳ nhà máy sản xuất chip bán dẫn nào. Tuy nhiên, chính phủ nước này đã tìm cách thu hút đầu tư của các hãng chip nước ngoài. Đáng kể, ISMC Digital đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chip trị giá 3 tỷ USD ở Ấn Độ, còn Tower Semiconductor, một công ty chất bán dẫn của Israel, sẽ là đối tác công nghệ trong dự án 3 tỷ USD.
Trong khi đó, Foxconn, công ty chuyên lắp ráp iPhone cho Apple, và Công ty khai khoáng Vedanta của Ấn Độ đã hợp tác xây dựng một cơ sở sản xuất chip trị giá 19,5 tỷ USD ở quốc gia Nam Á.
Những dự án trên sẽ là những cơ sở sản xuất chất bán dẫn đầu tiên ở Ấn Độ. Nhưng, New Delhi chắc chắn sẽ tìm cách thu hút những "gã khổng lồ" như TSMC và Intel đến đầu tư.
Bởi lẽ, dự án của ISMC Digital sẽ sản xuất các chip thế hệ cũ, thường được gọi là "trailing-edge chips", còn các dòng chip tiên tiến hiện nay chủ yếu do TSMC sản xuất. Các sản phẩm "trailing-edge chips" vẫn có tầm quan trọng nhất định, nhưng nó hạn chế tiềm năng của Ấn Độ để trở thành trung tâm sản xuất những dòng chip thế hệ mới của thế giới, đặc biệt trong bối cảnh cuộc đua chip bán dẫn ngày càng khốc liệt.
"Các dòng chip thế hệ cũ cũng quan trọng. Nhu cầu về những sản phẩm này sẽ không sớm biến mất. Các ứng dụng trong tương lai như radio 5G và xe điện sẽ vẫn cần đến các sản phẩm này. Hầu hết các ứng dụng quốc phòng hiện nay cũng đang sử dụng các dòng chip này", ông Kotasthane cho biết.
"Nhiều quốc gia đang thu hút đầu tư vào các cơ sở đúc chip tiên tiến nhất bằng cách tung ra các gói ưu đãi lớn hơn. Vì vậy, Ấn Độ có thể sẽ phải bỏ bớt tham vọng", ông Kotasthane nhận định.