Ấn Độ mở cửa thu hút đầu tư đặc biệt vào quân sự

Ấn Độ mở cửa thu hút đầu tư đặc biệt vào quân sự

(ĐTCK) Ấn Độ chuẩn bị thực hiện chương trình bán 11 tỷ USD tài sản chính phủ, bao gồm cổ phần tại các xưởng đóng tàu và nhà máy phục vụ quân đội. Đây được xem là cơ hội tốt nhất để nhà đầu tư có thể đặt chân vào một trong những lĩnh vực sản xuất lợi nhuận bậc nhất nhờ xu hướng gia tăng chi tiêu quân sự tại châu Á.

n Độ hiện là nhà nhập khẩu trang thiết bị quân sự lớn nhất thế giới và Thủ tướng Narendra Modi muốn thay đổi điều này, đồng thời huy động thêm tiền nhằm giảm thâm hụt ngân sách.

Trong chương trình bán tài sản chính phủ kể trên, số cổ phần lớn nhất được bán ra là tại Hindustan Aeronautics Ltd (HAL), công ty sản xuất máy bay chiến đấu và Cochin Shipyard Ltd, hiện đang là doanh nghiệp đóng tàu sân bay đầu tiên của Ấn Độ. Trong 5 năm qua, lợi nhuận của Cochin Shipyard tăng lên gần gấp đôi, trong bối cảnh các nhà đóng tàu khác trên toàn cầu đều trong tình trạng khó khăn.

Deepak Sinha, nhà tư vấn tại Observer Research Foundation cho biết, Ấn Độ đang xây dựng vị thế riêng trong khu vực và nhận ra rằng, ngày càng cần thiết nâng cao hơn nữa tính hiệu quả trong sản xuất và thiết kế vũ khí công nghệ cao. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể hỗ trợ hoạt động sản xuất trang thiết bị quân sự hiệu quả và tập trung hơn nữa.

Bên cạnh việc bán tài sản, chính phủ Ấn Độ cũng kêu gọi các quỹ đầu tư tư nhân rót vốn vào những công ty sở hữu nhà nước có lợi nhuận hấp dẫn như nhà sản xuất trực thăng Pawan Hans Ltd và công ty chế tạo phương tiện quân sự và khai thác mỏ BEML Ltd.

Ấn Độ mở cửa thu hút đầu tư đặc biệt vào quân sự ảnh 1

Ấn Độ “mở cửa” lĩnh vực sản xuất thiết bị quân sự cho các công ty tư nhân cách đây 15 năm, nhưng việc thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ, cùng với sự ưa chuộng sản phẩm nhập khẩu của chính quyền khiến lĩnh vực này chưa thu hút được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư. Lĩnh vực này hiện nay vẫn do các doanh nghiệp nhà nước chi phối.

Để thay đổi tình trạng này, ông Modi đã nâng mức giới hạn sở hữu nước ngoài đối với các nhà thầu quân sự lên 49%, từ mức 26% năm 2014, ngay sau khi ông lên nhậm chức. Cùng với đó, nhà đầu tư có thể nâng mức sở hữu lên 100% nếu hoạt động đầu tư mang tới cho Ấn Độ những lợi thế chiến lược trong công nghệ quân sự.

Shashank Joshi, nhà nghiên cứu cao cấp tại Royal United Services Institute (London) nhận định, việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quân sự sẽ tạo cầu nối để doanh nghiệp nhà nước, nhà đầu tư nội địa và nước ngoài sớm tìm đến với nhau.

Chương trình bán tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quân sự được đánh giá sẽ đạt mục tiêu mong muốn bởi thời điểm thích hợp: thị trường chứng khoán Ấn Độ vừa có 3 tháng “ngọt ngào” nhất kể từ năm 2014 và xu hướng gia tăng đầu tư quân sự tại châu Á.

Theo đó, ông Modi đã cam kết sẽ dành 250 tỷ USD cho tới năm 2025 đầu tư cho vũ khí và thiết bị quân sự, trong bối cảnh quốc gia này có những tranh chấp lãnh thổ với Pakistan và Trung Quốc. 70% số thiết bị cần thiết được Ấn Độ mua từ nước ngoài. Đây cũng là quốc gia 7 năm liền đứng đầu danh sách các nhà nhập khẩu vũ khí quân sự lớn nhất thế giới của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).

Không riêng Ấn Độ, việc tăng trưởng kinh tế tích cực đã thúc đẩy các quốc gia châu Á như Trung Quốc, Indonesia nâng cấp sức mạnh quân sự, trong bối cảnh các xung đột địa chính trị ngày càng gia tăng và có diễn biến khó đoán trước. Chi phí dành cho quân sự tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã tăng 5,4% lên khoảng 436 tỷ USD trong năm 2015, so với mức tăng 1,7% của châu Âu và xu hướng giảm của khu vực châu Phi, châu Mỹ, theo SIPRI.

Tin bài liên quan