Ấn Độ đề xuất cấm tiền điện tử, phạt người đào và mua bitcoin

Ấn Độ đề xuất cấm tiền điện tử, phạt người đào và mua bitcoin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Reuters, một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ cho biết, Ấn Độ sẽ đề xuất luật cấm tiền điện tử và phạt tiền bất kỳ ai giao dịch hoặc thậm chí nắm giữ các tài sản kỹ thuật số.

Vị quan chức cho biết, dự luật này là một trong những chính sách nghiêm ngặt nhất của thế giới đối với tiền điện tử. Dự luật này sẽ hình sự hóa việc sở hữu, phát hành, khai thác, giao dịch và chuyển giao tài sản tiền điện tử.

Biện pháp này cũng phù hợp với chương trình nghị sự vào tháng 1 của Chính phủ Ấn Độ về việc kêu gọi cấm các loại tiền ảo tư nhân như bitcoin trong khi xây dựng khuôn khổ cho một loại tiền kỹ thuật số chính thức.

Dự luật sẽ cho người sở hữu tiền điện tử tối đa 6 tháng để bán và sẽ bị phát nếu sau đó vẫn còn nắm giữ.

Các quan chức tự tin về việc dự luật được ban hành thành luật khi chính quyền Thủ tướng Narendra Modi chiếm đa số trong quốc hội.

Nếu lệnh cấm trở thành luật, Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới biến việc nắm giữ tiền điện tử trở thành bất hợp pháp.

Tham lam hơn hoảng sợ

Bitcoin đã đạt mức cao kỷ lục 60.000 USD vào thứ Bảy (13/3), gần gấp đôi giá trị trong năm nay do việc chấp nhận thanh toán đã tăng lên với sự hỗ trợ từ những người ủng hộ nổi tiếng như CEO Tesla Elon Musk.

Tuy nhiên, bất chấp những lời đe dọa của chính phủ về lệnh cấm, khối lượng giao dịch bitcoin ở Ấn Độ đang tăng lên và 8 triệu nhà đầu tư Ấn Độ hiện nắm giữ 100 tỷ rupee (1,4 tỷ USD) trong các khoản đầu tư tiền điện tử.

Sumnesh Salodkar, một nhà đầu tư tiền điện tử cho biết: “Số tiền đang sinh sôi nhanh chóng hàng tháng và tôi không muốn phải đứng ngoài. Mặc dù mọi người đang hoảng sợ do lệnh cấm tiềm ẩn, nhưng lòng tham đang thúc đẩy những lựa chọn này”.

Ông Vikram Rangala, giám đốc marketing của sàn giao dịch ZebPay cho biết: “ZebPay đã đạt được nhiều khối lượng giao dịch bitcoin mỗi ngày từ tháng 2/2021 tương tự như kể từ tháng 2/2020”.

Các quan chức hàng đầu của Ấn Độ đã gọi tiền điện tử là “kế hoạch Ponzi”.

Tuy nhiên, quan chức cấp cao nói với Reuters rằng, kế hoạch này là cấm các tài sản tiền điện tử tư nhân trong khi sẽ thúc đẩy blockchain, một công nghệ cơ sở dữ liệu an toàn là xương sống cho tiền ảo, nhưng cũng là một hệ thống mà các chuyên gia cho rằng có thể cách mạng hóa các giao dịch quốc tế.

“Chúng tôi không gặp vấn đề với công nghệ. Việc khai thác công nghệ là không có hại gì", quan chức này nói, đồng thời cho biết thêm, các động thái của chính phủ sẽ được "hiệu chỉnh trong phạm vi các hình phạt đối với những người không thanh lý tài sản tiền điện tử trong thời gian gia hạn của luật”.

Tin bài liên quan