Ấn Độ cần tăng trưởng trung bình 7,6% mỗi năm để trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047

Ấn Độ cần tăng trưởng trung bình 7,6% mỗi năm để trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi đã đặt ra tầm nhìn Ấn Độ trong 25 năm tới sẽ trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047.

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) - ngân hàng trung ương, để trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, mức tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 7,6% trong 25 năm tới. Tuy nhiên, nhiệm vụ này có thể không dễ dàng, với mức dự trữ vốn, cơ sở hạ tầng và trình độ lao động của người dân thời điểm hiện tại.

Trong giai đoạn 2022-2023, Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng GDP đạt 7,2%. RBI cũng dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm nay sẽ là 6,5%.

"Ấn Độ phải tái cấu trúc nền kinh tế của mình bằng cách tăng cường đầu tư phát triển lĩnh vực công nghiệp để tỷ trọng của lĩnh vực này sẽ đóng góp 35% GDP vào năm 2047, tăng từ mức 25,6% hiện tại. Hoạt động nông nghiệp và dịch vụ sẽ phải tăng trưởng lần lượt là 4,9% và 13% mỗi năm trong 25 năm tới với tỷ trọng đóng góp vào GDP của hai ngành này lần lượt là 5% và 60% vào năm 2047," RBI cho biết.

Cũng theo RBI, để trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, GDP bình quân đầu người (PCI) của Ấn Độ cần tăng 8,8 lần từ mức 2.500 USD hiện tại, lên 22.000 USD.

Ngân hàng Thế giới (WB) phân loại các quốc gia là thu nhập thấp hay thu nhập cao dựa trên PCI và theo phân loại của WB, một quốc gia có PCI từ 13.205 USD trở lên vào năm 2022-2023 được phân loại là quốc gia có thu nhập cao.

RBI cũng nhấn mạnh, con đường phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư và cải cách toàn diện trong các lĩnh vực bao gồm giáo dục, cơ sở hạ tầng, y tế và công nghệ để nâng cao năng suất của nền kinh tế. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân là điều cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi này.

Về những thách thức, các chuyên gia kinh tế tại RBI cho biết, con đường tiến lên một quốc gia phát triển của Ấn Độ vào năm 2047 sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc phát triển cả cơ sở hạ tầng và con người.

Việc Ấn Độ có thể trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047 được cho là khả thi khi chính phủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách tập trung vào cải cách chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng và số hóa nền kinh tế, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động và triển khai các ​​chính sách để phát triển ngành sản xuất, xuất khẩu, du lịch, giáo dục và y tế.

Tin bài liên quan