Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong một phiên họp Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trong một phiên họp Quốc hội.

Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo tiêu dùng của Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Lê Minh Hoan sắp trả lời chất vấn về việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan thông tin như trên trong báo cáo vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ phiên chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 15/8.

Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo là nội dung đáng chú ý tại báo cáo này.

Gạo xuất khẩu năm 2023 ước hơn 7 triệu tấn

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Ngày nay, việc đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đề cập đến đủ lượng lúa gạo, mà còn bao gồm các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác như thịt cá, rau quả, cây lương thực khác, Bộ trưởng nêu.

Với việc giữ diện tích đất trồng lúa 3,5 triệu ha đến năm 2030 theo kết luận 81 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, thì diện tích gieo trồng lúa khoảng 7 triệu ha, cho sản lượng 43 triệu tấn thóc một năm, tương đương 27-28 triệu tấn gạo.

“Gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng chính, chiếm 70% trong tiêu dùng lương thực thực phẩm. Do đó, giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Tính toán ở kịch bản an toàn cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc một năm. Như vậy, cả nước sẽ còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc, tương đương tương đương 7-8 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Cạnh đó, hàng năm Việt Nam cũng nhập khẩu sản lượng gạo nhất định từ Campuchia, Ấn Độ để dành sản xuất các sản phẩm chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Ví dụ, lượng gạo nhập từ Campuchia khoảng hơn 1 triệu tấn mỗi năm, để bù đắp trong trường hợp cần thiết.

“Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi. Do đó, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam”, Bộ trưởng nhận xét.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn này dự tính, sản lượng thóc dành cho đảm bảo an ninh lương thực năm nay khoảng 29,5 triệu tấn. Gạo xuất khẩu năm 2023 ước hơn 7 triệu tấn, tương đương 14 triệu tấn thóc.

Đề cập kế hoạch an ninh lương thực năm 2023, vị trưởng ngành nông nghiệp cho biết, tổng diện tích lúa cả nước năm nay khoảng 7,1 triệu ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng hơn 452.000 tấn so với 2022. Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết thì sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả. “Như vậy, về tổng thế ở cấp độ quốc gia vấn đề an ninh lương thực nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo”, Bộ trưởng khẳng định.

Khó khăn vẫn hiện hữu

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, khó khăn trong xuất khẩu nông sản vẫn hiệu hữu khi nhu cầu thị trường phục hồi chậm. Những biến động trên thị trường lương thực thế giới gần đây, như Ấn Độ và một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo, Thái Lan khuyến nghị giảm diện tích trồng lúa để tránh hiện tượng El Nino; sáng kiến ngũ cốc biển đen không được gia hạn; xung đột địa chính trị tại châu Phi và Ukraine kéo dài… cũng tác động không nhỏ tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Bảy tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,13 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm 2022. Một số ngành hàng được doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường, tăng xuất khẩu như rau quả (3,2 tỷ USD, tăng 68,1%), gạo (2,58 tỷ USD, tăng 29,6%), cà phê (2,76 tỷ USD, tăng 6%), hạt điều (1,95 tỷ USD, tăng 9,8%).

Để khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội trong bảo đảm an ninh, an toàn nguồn cung thực phẩm trong nước và tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2023, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cơ quan quản lý nông nghiệp sẽ cập nhật, phân tích đánh giá thông tin, diễn biến thị trường toàn diện, cẩn trọng để phổ biến, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt khó, tận dụng cơ hội thị trường.

Bộ này sẽ cùng các bộ: Ngoại giao, Công Thương đổi mới truyền thông quảng bá chất lượng đặc thù vượt trội của nông sản Việt tại thị trường trong và ngoài nước.

Bộ cũng sẽ chỉ đạo sản xuất linh hoạt, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu xuất khẩu.

Về dài hạn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Khâu sản xuất nông nghiệp sẽ được tổ chức lại theo hướng bền vững, như thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đến 2025…

Bên cạnh đó là giải pháp tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Về chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ trưởng cho hay, đến cuối 2020, diện tích trồng lúa cả nước là hơn 3,94 triệu ha. Trong 2,5 năm (từ 2021 đến tháng 7/2023), khoảng 6.370 ha đất được chuyển đổi mục đích sử dụng và thu hồi diện tích trồng đất lúa. Số diện tích đất chuyển đổi, thu hồi này đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình Thủ tướng chấp thuận.

Riêng với diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa do Quốc hội quyết định, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh quyết định (dưới 10 ha), Bộ trưởng Hoan cho biết “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không có đầy đủ thông tin”.

Chiều 15/8 Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải sẽ điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ngoài an ninh lương thực, Bộ trưởng cũng sẽ trả lời về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản.

Tin bài liên quan