Thưa luật sư, khi xảy ra tranh chấp, các bên có quyền tự thỏa thuận xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá, nhưng không phải lúc nào cũng thống nhất được nghĩa vụ chi trả chi phí thẩm định. Không lẽ cơ quan tố tụng “bó tay”?
So với luật cũ, về cơ bản, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vẫn được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các đương sự trong việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá. Tức là, khi có tranh chấp, nếu các bên tự quyết định về giá trị khối tài sản hoặc thuê tổ chức dịch vụ có chức năng thẩm định giá tài sản thì toà án tôn trọng sự quyết định của các đương sự.
Tòa án chỉ ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá tài sản khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 104 và nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng chi phí và chịu chi phí định giá, thẩm định tài sản được quy định tại Điều 164 và 165.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
Trường hợp đương sự không thống nhất chi phí thẩm định, định giá tài sản, hoặc một bên không hợp tác là một trong những vướng mắc tôi đã gặp khi tham gia tranh tụng. Bởi lẽ, nếu hai bên không bỏ chi phí để mời tổ chức thẩm định giá, hoặc không nộp tạm ứng án phí để yêu cầu tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá thì sẽ không có căn cứ để tòa án giải quyết tranh chấp. Đó là lý do khiến những vụ kiện có thể kéo dài vài năm mới được giải quyết. Thiết nghĩ, cần phải có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về vấn đề này.
Nếu hai bên thống nhất với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá theo mức giá thấp, thì mức giá đó có được tòa án chấp thuận không?
Trong trường hợp này, tòa án không chấp nhận sự thỏa thuận mức giá thấp và sẽ ra quyết định định giá tài sản, thành lập Hội đồng định giá.
Trường hợp các đương sự xảy ra xung đột, một bên yêu cầu tòa ra quyết định định giá, bên kia đề nghị thuê tổ chức thẩm định, thì phải làm sao? Giả sử tòa án chấp nhận ra quyết định định giá tài sản, nhưng mức giá do Hội đồng định giá thấp hơn hoặc cao hơn giá của tổ chức thẩm định thì tòa án dùng kết quả nào làm căn cứ giải quyết vụ án?
Để đảm bảo tính công bằng, tòa án sẽ ra quyết định định giá tài sản theo yêu cầu của bên có yêu cầu tòa ra quyết định định giá. Một trong những căn cứ để tòa án ra quyết định định giá tài sản theo quy định tại Khoản 3, Điều 104, Bộ luật Tố tụng dân sự là: “theo yêu cầu của một hoặc của các bên đương sự”.
Kết luận của Hội đồng định giá và tổ chức thẩm định đều có giá trị pháp lý (trừ khi chứng minh được có sự vi phạm). Nếu có sự chênh lệch mức giá, tòa án sẽ lấy mức giá theo yêu cầu của bên nào thì nhà làm luật vẫn chưa lường trước được.
Cũng là khó cho toà án để cho rằng, giá của bên nào là phù hợp với giá thị trường. Nên chăng, luật nên quy định, nếu các bên không thoả thuận được, toà án ra thông báo yêu cầu các bên thoả thuận lựa chọn một tổ chức thẩm định định giá tài sản khác (không phải là tổ chức đã thẩm định). Hoặc yêu cầu toà án ra quyết định định giá lại tài sản (với Hội đồng định giá tài sản khác) và kết quả định giá hoặc thẩm định (lần sau) là kết quả cuối cùng để toà án giải quyết vụ án, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Chế tài nào trong trường hợp đương sự chống đối, cản trở Hội đồng định giá?
Theo Điều 16 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BTC, trường hợp có hành vi cản trở Hội đồng định giá tiến hành định giá tài sản thì Chủ tịch Hội đồng định giá yêu cầu đại diện Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan Công an và các cơ quan chức năng khác có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cản trở mà người có hành vi cản trở Hội đồng định giá bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không thể tiến hành định giá tài sản, Hội đồng định giá lập biên bản về việc không thể tiến hành định gía tài sản do có hành vi cản trở và lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự. Còn việc xác định giá tài sản sẽ được thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 17 Thông tư liên tịch này.