AmCham: Việt Nam là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) Adam Sitkoff khẳng định, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch nhưng Việt Nam vẫn là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo AmCham, đại dịch không làm giảm vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo AmCham, đại dịch không làm giảm vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Đại dịch đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhưng không thể ngăn cản Việt Nam tiếp tục gia tăng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là lời khẳng định của Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham), ông Adam Sitkoff khi nhận định về những thách thức mà doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang phải đối mặt và những vấn đề về chuỗi cung ứng.

Theo AmCham, Việt Nam đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 lần thứ 4, ảnh hưởng lớn tới việc sản xuất và xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đang ngày càng có vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu, đặc biệt là các mặt hàng như quần áo, giày dép, chíp máy tính và ô tô. Tuy nhiên, điều này sẽ không làm ảnh hưởng tới vai trò ngày càng được nâng cao của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn và nhiều nhà máy phải đóng cửa, xét về khía cạnh kinh tế, Việt Nam vẫn đang làm rất tốt và ngày càng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt có tác động lớn đến tiêu dùng ở Mỹ”, ông Adam Sitkoff nhận xét.

Hiện tại, Mỹ đang có nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề hoạt động tại Việt Nam, tuy nhiên hiện phần lớn đã phải tạm thời đóng cửa, hoặc nếu không thì hoạt động cũng giảm đi đáng kể. Đại diện AmCham cho biết, cơ quan này đang hướng tới chính sách đảm bảo dịch bệnh “ít gây gián đoạn nhất có thể”, đặc biệt là khi mùa lễ cuối năm đang đến gần.

Đại dịch đã khiến các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải sa thải lao động, nhiều nhà máy đình trệ sản xuất, còn các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động thì đang phải chịu thêm chi phí rất cao và trong điều kiện rất khó khăn.

Khảo sát các thành viên của AmCham cho thấy, 90% rất lo ngại về tác động kinh tế của Covid-19, 65% nói rằng đợt bùng phát hiện tại đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình và hơn 1/4 số doanh nghiệp cho biết các biện pháp chống dịch có thể gây thiệt hại hoặc dừng kinh doanh nếu tiếp tục đến tháng 10.

Trong một báo cáo công bố ngày 7/9 của Australia & New Zealand Banking Group, một Tập đoàn tài chính toàn cầu, các nhà phân tích cũng khẳng định mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trước mắt, nhưng Việt Nam vẫn có triển vọng trong dài hạn.

“Đại dịch không làm thay đổi sức hấp dẫn của đất nước này với tư cách là một trung tâm sản xuất. Ngoài ra còn có nhiều dư địa để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hơn nữa”, Báo cáo này viết.

8 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 212,55 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 55,69 tỷ USD, tăng 10,5%, chiếm 26,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,86 tỷ USD, tăng 25,5%, chiếm 73,8%.

Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng 12,8%; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng 49,9%; Hàng dệt may đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,7%; Giày dép đạt 12,6 tỷ USD, tăng 16,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%.

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương

Tin bài liên quan