Tháng 3 vừa qua, Amazon cho biết đang thuê 20 chiếc máy bay Boeing 767 từ Hãng vận tải Air Transport Services Group, đồng thời tiến hành đàm phán để được sở hữu gần 20% cổ phần hãng vận tải này. Amazon cũng vừa thuê thêm 20 chiếc máy bay từ Atlas Air, đồng thời mua thêm 4.000 toa xe chứa hàng.
Có thể nói, Amazon đang trở thành kiểu mô hình kết hợp giữa Walmart và FedEx.
Tham vọng có phi lý?
Sự mở rộng đầu tư như vậy đối với bất kỳ công ty nào cũng sẽ có vẻ thật phi lý. Tuy nhiên, chính sự tăng trưởng của Amazon mới là một... sự phi lý. Năm 2010, doanh thu của Amazon đạt 34 tỷ USD. Vào năm ngoái, con số này đã tăng lên thành 107 tỷ USD. Số lượng nhân viên làm việc tại Amazon là 33.700 người vào năm 2010 và đến tháng 6 vừa qua đã là 268.900 người. Giá trị vốn hóa của Amazon vào khoảng 366 tỷ USD, lớn thứ năm thế giới, tương đương với giá trị của cả Walmart, FedEx và Boeing cộng lại.
Tham vọng của Amazon phụ thuộc vào sự thành công của dịch vụ Amazon Prime (còn gọi là gói đăng ký thành viên), vì khách hàng đăng ký dịch vụ này thường có xu hướng mua hàng nhiều gấp 3 lần những người không đăng ký.
Cụ thể, với mức phí 99 USD/năm, khách hàng có đăng ký dịch vụ Amazon Prime sẽ được hưởng chế độ miễn phí giao hàng trong vòng 2 ngày với tất cả đơn hàng có địa chỉ giao hàng ở Mỹ và nhiều ưu đãi khác như xem phim, nghe nhạc và đọc sách điện tử miễn phí trên Prime Instant Video, Prime Music và Kindle Lending Library.
Theo ước tính của Hãng Nghiên cứu Consumer Intelligence Research Partners, đến cuối tháng 6 vừa qua, Amazon có 63 triệu thành viên Prime, nhiều hơn 19 triệu so với năm ngoái.
Trong tháng 6, Ngân hàng Deutsche Bank đã công bố một báo cáo dự đoán rằng Amazon sẽ sở hữu một hệ thống vận chuyển toàn cầu có khả năng giao hàng trực tiếp từ các nhà máy tại Trung Quốc đến tận tay khách hàng ở Mỹ và châu Âu. Amazon được cho là sẽ sử dụng không chỉ máy bay Boeing 767 và tàu container mà còn dùng đến cả xe tải tự lái và máy bay tự lái.
Báo cáo này còn cho biết, Amazon sở hữu một bằng sáng chế công nghệ "dự đoán trước về gói hàng cần vận chuyển". Deutsche Bank mô tả công nghệ này giống như một "bài toán khổng lồ” và cho biết thêm, Amazon có hàng trăm tiến sĩ toán học chuyên nghiên cứu để tìm ra những giải pháp ngày càng tối ưu hóa dịch vụ hậu cần.
Dịch vụ giao hàng là yếu tố sống còn
Trên thực tế, nếu Amazon không giao hàng đủ nhanh, nhiều khả năng người tiêu dùng sẽ chuyển sang mua sản phẩm tại các cửa hàng truyền thống. Sáng lập Amazon từ năm 1994, CEO Jeff Bezos và đội ngũ của ông sớm thấy được dịch vụ giao hàng chính là chìa khóa giúp Hãng vượt trội so với các đối thủ và cả những "kẻ đến sau" muốn tấn công vào lĩnh vực thương mại điện tử, đặc biệt là Google và Facebook.
"Họ luôn nghĩ rằng một trong những vũ khí mạnh nhất giúp họ chiến đấu với Google và Facebook là những đối thủ này không thực sự hiểu về dịch vụ hậu cần", John Rossman, một cựu lãnh đạo Amazon, cho biết.
Do đó, Amazon từng đầu tư và thử nghiệm nhiều mô hình khác nhau để tối ưu hóa dịch vụ giao hàng, như chi ra 60 triệu USD vào startup Kozmo (chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh bằng xe đạp ở các thành phố lớn) vào năm 1999. Đến năm 2001, Kozmo bị phá sản bởi tác động của thời kỳ vỡ bong bóng Dot-com, và thương vụ này của Amazon bị xem như một "sai lầm lớn của thời đại".
Tuy vậy, nhờ kinh nghiệm giao hàng từ Kozmo, khi tấn công các thị trường đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, Amazon đã vận dụng thành công phương thức giao hàng nhanh bằng xe đạp này. Amazon còn chiêu mộ những cựu điều hành siêu thị trực tuyến Webvan để cho ra đời AmazonFresh - dịch vụ giao hàng thực phẩm, bắt đầu vận hành từ năm 2007.
Tuy nhiên, thành công vượt trội trong việc đầu tư vào dịch vụ giao hàng chỉ đến với Amazon từ khi Hãng bắt đầu vận hành gói dịch vụ thành viên Prime. Sau khi ra mắt vào năm 2005, Prime của Amazon đã thu hút được khoảng 8 triệu thành viên trong vòng 5 năm, theo Deutsche Bank.
Không thể mãi phụ thuộc
Để thực hiện đúng cam kết của Amazon Prime là giao hàng miễn phí trong vòng 2 ngày, Amazon đã phải sử dụng các dịch vụ đắt tiền của các "ông lớn" chuyển phát nhanh quốc tế như FedEx và UPS. Đến năm 2011, các nhà điều hành Amazon nhận thấy khách hàng thường mua nhiều hàng hóa vào những kỳ nghỉ và quá trình giao hàng có thể bị quá tải.
Trong nỗ lực nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào UPS và FedEx, Amazon hợp tác với Dịch vụ Bưu chính Mỹ (U.S Postal Service) và vào tháng 11/2013, U.S Postal Service công bố sẽ giao hàng cho Amazon vào các ngày Chủ nhật. Amazon cũng bắt đầu xây dựng chuỗi các trung tâm phân loại áp dụng công nghệ máy lọc để tách các hộp hàng bằng mã ZIP và chuyển trực tiếp đến các bưu điện để giao hàng tận nhà cho người tiêu dùng.
Những nỗ lực này vẫn không thể giúp Amazon tránh được sự cố quá tải đơn hàng vào đợt lễ Giáng sinh năm 2013, khi UPS không thể xử lý kịp khối lượng đơn hàng tăng đột biến vào ngay trước đợt nghỉ lễ.
Sau sự cố này, Amazon đã cố gắng tránh đi vào vết xe đổ mang tên quá tải đơn hàng. Đến cuối năm 2014, Amazon có 23 trung tâm phân loại tại Hoa Kỳ. Cũng trong năm đó, Amazon ra mắt dịch vụ Prime Now ở New York, với những người giao hàng là học sinh, sinh viên, lao động nhàn rỗi... Họ sử dụng đủ mọi phương tiện như xe hơi, xe đạp và cả các phương tiện giao thông công cộng để giao hàng cho Amazon. Hiện tại, Prime Now đã được triển khai ở hơn 40 thành phố.
Tháng 9/2015, Amazon giới thiệu chương trình giao hàng theo yêu cầu Amazon Flex - người mua hàng sẽ chọn sản phẩm trên ứng dụng di động và sau đó nhận hàng từ dịch vụ Prime Now.
Đầu tháng 8 mới đây, Amazon cho ra mắt chiếc máy bay Prime Air đầu tiên với tên gọi Amazon One. Đây là một chiếc máy bay Boeing 767 có thân màu trắng với hình ảnh logo Prime Air màu xanh nước biển, phần đuôi được trang trí bằng biểu tượng mũi tên quen thuộc của Amazon.
Hai hãng UPS và FedEx từng phớt lờ mối đe dọa từ việc bành trướng dịch vụ giao hàng của Amazon, nhưng đến khi Amazon tiến hành thuê máy bay, các nhà điều hành UPS và FedEx đã bắt đầu lo lắng. Vì nếu tấn công thị trường bằng chiến thuật giá rẻ, Amazon sẽ sớm gây bất ổn cho ngành công nghiệp vận chuyển hàng hóa.
Sự lo lắng này thậm chí đã bắt đầu lan đến Phố Wall, khi các chuyên gia phân tích cho biết nhà đầu tư đang "đau đầu" khi nghĩ đến những tác động từ chiến lược của Amazon đến ngành vận chuyển.
Nhiều người còn tin rằng Amazon sẽ cho ra đời một dịch vụ mới nằm ngoài hệ thống giao nhận của Hãng, giống như đã từng làm với Amazon Web Services (tập hợp các dịch vụ dành cho nhà lập trình, dựa trên nền tảng hạ tầng đã được Amazon xây dựng và phát triển qua nhiều năm) và bằng cách đó sẽ thách thức các công ty vận chuyển hàng đầu thế giới.