Cả ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều kết thúc tháng 6 và quý thứ hai trong mức tiêu cực, với chỉ số S&P 500 ghi nhận mức giảm 20,6% trong nửa đầu năm, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1970.
Chỉ số Dow Jones và Nasdaq Composite cũng không tránh khỏi tình trạng lao dốc chóng mặt trong hai quý vừa qua. Dow Jones mất 11,3% trong quý II và giảm 15% từ đầu năm, mức giảm cao nhất kể từ năm 1962.
Nasdaq Composite, chỉ số vốn thiên về công nghệ đã sụt giảm 22,4% trong quý II, đánh dấu quý giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, với một số công ty công nghệ lớn ghi nhận mức giảm khó tin, như Netflix bốc hơi 71%, Meta lao dốc 52%, hai gã khổng lồ Apple và Alphabet lần lượt sụt 23% và 24,8%.
Đà giảm mạnh của thị trường trong hai quý đầu năm diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư phải đấu tranh với tình trạng giá hàng hóa tăng cao và chính sách tiền tệ thắt chặt, cũng như nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu do chịu tác động từ việc các ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Mới đây, Fed đã phải mạnh tay nâng lãi suất để chống lại đà leo thang của giá cả, mới nhất là đợt nâng lãi suất thêm 0,75%, đợt tăng lãi suất mạnh nhất của cơ quan này từ năm 1994.
Michael Shaoul, chuyên gia tại Marketfield Asset Management cho biết: “Hiếm khi thị trường giảm với tốc độ như thế này trong những quý liên tiếp, nhưng điều đó không có nghĩa là thị trường sẽ không giảm thêm. Đây có vẻ mới là phần giữa của câu chuyện và hiện tại, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy mọi chuyện sắp sửa tốt hơn”.
Trong ngày thứ Năm, dữ liệu kinh tế được công bố đã không làm giảm bớt những lo ngại về lạm phát, với chỉ số giá tiêu dùng lõi, thước đo lạm phát ưa thích của Fed tăng 4,7% trong tháng 5. Con số này thấp hơn 0,2% so với tháng trước, nhưng vẫn ở mức cao chưa từng thấy kể từ những năm 1980. Chỉ số này được dự báo cho thấy mức tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 5, theo Dow Jones.
Trong khi chỉ số PMI Chicago, theo dõi hoạt động kinh doanh trong khu vực, đạt 56 điểm trong tháng 6, thấp hơn so với ước tính của StreetAccount là 58,3 điểm.
Kết thúc phiên 30/6, chỉ số Dow Jones giảm 253,88 điểm (-0,82%), xuống 30.775,43 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 33,45 điểm (-0,88%), xuống 3.785,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 149,16 điểm (-1,33%), xuống 11.028,74 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm và ghi nhận quý quý tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra vào đầu năm 2020, khi các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác với suy thoái toàn cầu sau các hành động thắt chặt của ngân hàng trung ương nhằm kiềm chế lạm phát.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 giảm 1,58% xuống 406,88 điểm và giảm hơn 10% trong quý II.
Phiên này, chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,8% khi các số liệu chính thức sơ bộ cho thấy lạm phát tiếp tục tăng so với tháng trước lên mức kỷ lục 6,5%.
Azad Zangana, nhà kinh tế và chiến lược gia cấp cao tại châu Âu tại Schroders cho biết: “Những gì chúng ta đang có vào lúc này là nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đang ở mức nghiêm trọng và các nhà đầu tư đang phải đánh giá lại mức định giá cổ phiếu.
Mọi con mắt hiện đang đổ dồn vào ước tính đầu tiên về lạm phát tháng 6 đối với khu vực đồng euro sẽ được công bố vào thứ Sáu.
Tất cả các chỉ số khu vực châu Âu đều giảm vào thứ Năm, trong đó công nghệ và ô tô lần lượt giảm 2,1% và 2,3%.
Trong số các cổ phiếu đơn lẻ, Uniper SE giảm 16,1% sau khi công ty tiện ích Đức rút lại triển vọng cho năm tài chính 2022 do các hạn chế nguồn cung cấp khí đốt từ Gazprom.
Saab tăng 5,4% sau khi tập đoàn vật liệu quốc phòng giành được đơn đặt hàng từ Cơ quan quản lý vật liệu quốc phòng Thụy Điển cho máy bay Kiểm soát và Cảnh báo sớm trên không GlobalEye của họ.
Virgin Money đã tăng thêm 3,2% sau khi ngân hàng Anh cho biết họ sẽ mua lại cổ phiếu quỹ với trị giá 75 triệu bảng Anh.
Kết thúc phiên 30/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 143,04 điểm (-1,96%), xuống 7.169,28 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 219,58 điểm (-1,69%), xuống 12.783,77 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 108,62 điểm (-1,80%), xuống 5.922,86 điểm.