Ám ảnh lạm phát, giới đầu tư vội vàng thoát hàng

Ám ảnh lạm phát, giới đầu tư vội vàng thoát hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Phố Wall quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (13/7) khi lo ngại lạm phát lại quay lại “ám ảnh” giới đầu từ.

Thứ Ba, Bộ Lao động Mỹ công bố dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo đó, CPI của Mỹ tăng vọt 0,9% trong tháng trước, cao hơn nhiều so với mức 0,5% được giới chuyên gia dự báo và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2008, sau khi tăng 0,6% trong tháng 5. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI của Mỹ đã tăng 5,4%, mức kỷ lục kể từ 8/2008.

CPI lõi, không tính giá lương thực và năng lượng thường biến động mạnh, ghi nhận tăng 0,9% trong tháng 6, sau khi tăng 0,7% trong tháng 5. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI lõi đã tăng 4,5%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1991.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế coi việc CPI tăng vọt là tạm thời, phù hợp với quan điểm lâu nay của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell với lý do giá ô tô và xe tải đã qua sử dụng chiếm hơn một phần ba mức tăng của CPI tháng 6.

Trong khi đó, cổ phiếu JPMorgan Chase giảm 1,5% sau khi ngân hàng này báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận quý II vượt bậc song cảnh báo rằng triển vọng khả quan sẽ không kéo dài lâu do lãi suất thấp. Goldman Sachs cũng giảm 1,2% bất chấp báo cáo kết quả kinh doanh giảm vượt dự báo.

Citigroup, Wells Fargo và Bank of America sẽ công bố kết quả kinh doanh doanh vào đầu ngày thứ Tư.

Mọi con mắt thị trường hiện đang hướng về phiên điều trần trước quốc hội của Chủ tịch Fed Jerome Powell vào thứ Tư và thứ Năm xung quanh vấn đề áp lực giá cả tăng mạnh và chương trình hỗ trợ tiền tệ trong tương lai.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Dow Jones giảm 107,39 điểm (-0,31%), xuống 34.888,79 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 15,42 điểm (-0,35%), xuống 4.369,21 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 55,59 điểm (-0,39%), xuống 14.7677,65 điểm.

Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba khi giới đầu từ thận trọng chờ đợi báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ được công bố vào cuối ngày,

Cũng trong Hôm thứ Ba, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết, ECB cam kết sẽ “kiên trì” và sẽ không lặp lại sai lầm trong quá khứ là thắt chặt chính sách quá sớm.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 0,70 điểm (-0,01%), xuống 7.124,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,87 điểm (-0,005%), xuống 15.789,74. Chỉ số CAC 40 tại giảm 0,78 điểm (-0,012%), xuống 6.558,47 điểm.

Sắc xanh bảo phủ chứng khoán châu Á phiên hôm qua. Chứng khoán Nhật Bản tăng nhờ cầu bắt đáy tiếp tục hoạt động tốt sau tuần bán tháo và giới đầu tư lạc quan chờ đợi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II.

Chứng khoán Trung Quốc tăng, được hỗ trợ bởi mức tăng của các công ty tiêu dùng lớn, khi dữ liệu mới cho thấy xuất khẩu của nước này tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự kiến ​​trong tháng 6.

Chứng khoán Hồng Kông tăng khá mạnh, được nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính nâng đỡ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, nhờ ảnh hưởng tích cực từ Phố Wall đêm hôm trước và dữ liệu kinh tế lạc quan của Trung Quốc.

Kết thúc phiên 13/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 149,22 điểm (+0,52%), lên 28.718,24 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,69 điểm (+0,53%), lên 3.566,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 448,17 điểm (1,63%), lên 27.963,41 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 24,91 điểm (+0,77%), lên 3.271,38 điểm.

Giá vàng đóng cửa phiên ngày thứ Ba tăng nhẹ sau một phiên giao dịch biến động trong bối cảnh Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo lạm phát cao hơn dự kiến khiến đồng USD suy yếu.

Kết thúc phiên 13/7, giá vàng giao ngay tăng 0,80 USD (+0,004%), lên 1.807,30 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 giảm 0,10 USD (-0,01%), xuống 1.805,80 USD/ounce.

Giá dầu tăng vọt vào thứ Ba sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuyên bố thị trường có thể mong đợi nguồn cung thắt chặt hơn nữa do bất đồng của OPEC+ chưa thể giải quyết ngay lập tức.

Trong khi đó, tồn kho dầu và xăng của Mỹ tiếp tục giảm trong tuần trước, theo hai nguồn tin thị trường, trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ. Cụ thể, các nguồn tin cho biết, kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 4,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 9/7, đây sẽ là tuần giảm thứ tám liên tiếp. Dữ liệu chính thức sẽ được công bố vào ngày 14/7.

Kết thúc phiên 13/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,15 USD (+1,6%), lên 75,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,33 USD (+1,8%), lên 76,49 USD/thùng.

Tin bài liên quan