Ám ảnh “chiến tranh lạnh” làm “nóng” giá vàng

(ĐTCK) Giá vàng đã leo lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2013 khi các diễn biến ở miền Nam Ukraine làm nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến nguy cơ một cuộc "chiến tranh lạnh" lần 2. Thêm vào đó, thông tin các quỹ chỉ số vàng có tháng mua ròng đầu tiên kể từ tháng 12/2012 cũng hỗ trợ kim lại này.
Ám ảnh “chiến tranh lạnh” làm “nóng” giá vàng

Vàng thế giới lên cao nhất trong vòng 4 tháng

Giá vàng giao ngay đã trăng 1,7% lên 1.348,58 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 30/10, sau đó giảm nhẹ còn 1.348,21 USD/ounce vào lúc 3h54 chiều trên sàn Singapore.

Giá vàng giao tháng 4 đã tăng 2,2% lên 1.350,5 USD/ounce ngay đầu giờ giao dịch sàn New York ngày hôm nay, mức cao nhất kể từ 30/10/2013. Sau đó, giá giảm nhẹ còn 1.345,2 USD/ounce lúc 7h43 chiều nay, theo giờ Việt Nam. Như vậy, với mức giá mới này, giá vàng tương lai đã tăng 12% kể từ đầu năm 2014.
 

Các quỹ ETFs cơ sở vàng đã gia tăng tài sản thêm 0,4% lên 1.745,99 tấn trong tháng 2, sau khi có năm giảm đầu tiên kể từ 2003 vào năm ngoái.

Vàng là một trong những hàng hóa tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2014 - chỉ sau cà phê, lợn nạc và ngô - trong số 24 hàng hóa thuộc chỉ số Standard & Poor’s GSCI Index. Các hàng hóa đồng loạt tăng giá do căng thẳng địa chính trị ở Ukraine và do tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc ảnh hưởng đến tài sản ở các thị trường mới nổi và thúc đẩy nhu cầu lưu giữ giá trị.

Ukraine đã đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu vào cuối tuần trước sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nước này về việc gửi quân đội đến nước láng giềng miền Nam.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo Nga không nên can thiệp vào chuyến công tác của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Ukraine ngày hôm nay để đề nghị giúp đỡ nước này khi quân đội Nga chiếm cứ vùng biển Đen của Crimea.

“Rủi ro địa chính trị đến từ Ukraine đang nâng vai trò là tài sản trú ẩn của vàng lên”, Victor Thianpiriya, một nhà phân tích của Australia & New Zealand Banking Group, nói, đồng thời lưu ý triển vọng yếu đi của nhu cầu vàng vật chất ở châu Á.

Vàng SJC tăng 200.000 đồng/lượng

Tại thị trường trong nước, vàng SJC đầu giờ sáng nay đã tăng 370.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước, lên 36,43 - 36,53 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, từ đây, giá dao động trong xu hướng giảm, dù giá vàng thế giới tiếp tục tăng trong ngày. Đến 5 giờ chiều nay, giá vàng thương hiệu quốc gia được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 36,29 - 36,35 triệu đồng/lượng, giảm 180.000 đồng/lượng so với mức cao đầu ngày, nhưng vẫn cao hơn 190.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

Giá vàng Phượng Hoàng PNJ-DAB của Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đầu giờ sáng nay cũng tăng 260.000 đồng/lượng lên 34,80 - 35,20 triệu đồng/lượng và duy trì giá này đến 5h chiều. Giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu vào lúc 5h chiều nay là 34,32 - 34,87 triệu đồng/lượng, tăng 230.000 đồng/lượng so với cuối tuần trước.

USD tự do giảm ngày thứ 3 liên tiếp

Giá USD trên thị trường tự do trong nước hôm nay giảm thêm 10 đồng ở giá mua và 5 đồng ở giá bán xuống còn tương ứng 21.110 và 21.130 đồng/USD. Giá USD do Vietcombank niêm vẫn giữ mức 21.080 - 21.120 đồng/USD ngày thứ 5 liên tiếp.

Các ngoại tệ khác, đa số tăng, trong đó CHF dẫn đầu với 0,93%; tiếp đến là JPY với 0,62%; CAD với 0,57%; EUR với 0,46%; GBP với 0,29%. Ở chiều giảm, chỉ có AUD giảm 0,76% và SGD giảm 0,22%.

Trên thị trường quốc tế, đồng JPY tiếp tục tăng giá mạnh so với đồng USD, khi cặp tỷ giá USD/JPY giảm còn 101,3 vào 5h chiều nay, giờ Việt Nam, từ mức 102,3 cuối tuần trước.

Tin bài liên quan