Chỉ trong một ngày 11/11, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tổng cộng 268,4 tỷ NDT, tương đương 38,4 tỷ USD, xác lập kỷ lục mới cho sự kiện mua sắm 24 giờ của ông lớn Alibaba. Kết quả này tăng gần 26% so với 213,5 tỷ NDT, khoảng 30,8 tỷ USD vào ngày này năm ngoái
SMEs đang trở thành “nhân tố sống còn” của một nền kinh tế. Alibaba.com, một trong những nền tảng thương mại điện tử B2B hàng đầu thế giới đang thực hiện các bước giúp các “nhân tố” vượt qua giai đoạn đầy thách thức này.
Alibaba muốn chia sẻ bí quyết thành công trong kinh doanh nội địa và quốc tế với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu muốn mở rộng thị trường ra thể giới. Năm ngoái khi mở văn phòng đại diện ở Việt Nam, Alibaba đã cam kết hỗ trợ 10.000 DNNVV Việt Nam trong 5 năm tới. Đến nay, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19, Alibaba đã triển khai hàng loạt các sáng kiến để đưa các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Khi đặt chân vào Việt Nam, Alibaba tin dư địa phát triển của thị trường Việt Nam còn rất nhiều, trong khi đối thủ Amazon chưa thâm nhập do quy mô còn nhỏ cũng như hành lang pháp lý chưa hoàn thiện.
Thời gian đầu Alibaba tập trung 3 mảng hàng gỗ, may mặc và thực phẩm đồ uống. Bởi Việt Nam đang có lợi thế về giá, chất lượng so với các nước trong khu vực. Mặt khác, bất cập hiện nay của xuất khẩu Việt Nam là nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử không hiểu về xuất khẩu, và ngược lại, do đó đây là thời điểm Alibaba tin tưởng đã đến lúc chín mùi để thâm nhập.
Năm 2016 Alibaba đã rót vốn vào Lazada. Sàn thương mại điện tử này hoạt động tại Việt Nam từ năm 2012. Cuối năm 2018, Alibaba đã bắt tay với Fado để Fado trở thành đối tác ủy quyền của họ tại Việt Nam nhằm hỗ trợ - đào tạo các SMEs Việt Nam chào hàng đến khắp thế giới thông qua sàn Alibaba.com.
Sắp tới, Alibaba sẽ tổ chức riêng một Hội thảo với chủ đề “Hậu Covid 19 – Nắm bắt cơ hội toàn cầu cùng Alibaba.com” trong khuôn khổ Triển lãm Thương mại Quốc tế Chiết Giang tại Việt Nam từ ngày 3-5/12 tới tại TP.HCM.
Hiện hầu hết người mua trên thế giới đang tìm nguồn cung cho sản phẩm thông qua các công cụ tìm kiếm hoặc các nền tảng thương mại điện tử. Alibaba đang làm mới các triển lãm thương mại trực tuyến để đảm bảo người mua có thể tìm thấy nhà cung cấp thông qua các video, họp trực tuyến và truyền hình trực tuyến. Thêm nữa, cung cấp tất cả các loại công cụ cho phép nhà cung cấp số hóa các sản phẩm, chương trình khuyến mãi và dịch vụ của họ để các thông tin này có thể được dễ dàng tiếp cận bởi người mua trên toàn cầu.
Ông Kuo Yiling, Trưởng đại diện Châu Á - Thái Bình Dương của Alibabachia tiết lộ, với lưu lượng truy cập tăng trưởng trên 40% qua từng năm, tính đến nay, gần 20 triệu người mua từ hơn 200 quốc gia và lãnh thổ đã dò hỏi hoặc yêu cầu báo giá trên Alibaba.com.
Trong đó, các nhà cung cấp tại Việt Nam đã đăng tải 600.000 sản phẩm lên nền tảng và bình quân trong 30 ngày nhận được 50.000 yêu cầu báo giá trên toàn thế giới. Ngành thực phẩm (F&B), nhà ở và sân vườn, kiến trúc đã có sự phát triển ấn tượng.
Alibaba.com đã và đang đi đầu trong việc tận dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) và công nghệ thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên toàn thế giới.
Đây là ông lớn điển hình của tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp của tỉnh này mạnh dạn tìm hiểu và đầu tư mạnh ở thị trường Đông Nam Á. Trong đó việc các doanh nghiệp chủ động chuyển hình thức triển lãm truyền thống sang đàm phán trực tuyến là một nỗ lực đổi mới mô hình xúc tiến thương mại trong thời điểm đặc biệt như hiện nay.