Ảnh: Getty
Lệnh cấm sẽ chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2025, kéo dài ít nhất một năm, nhằm tăng cường an toàn cho giới trẻ trong bối cảnh mạng xã hội đang bị chỉ trích vì cổ xúy bạo lực và gây ảnh hưởng tiêu cực.
Thủ tướng Albania ngày 21/12 đã thông báo lệnh cấm TikTok trong cuộc họp với các giáo viên, phụ huynh và nhà tâm lý học tại thủ đô Tirana. Quyết định này được đưa ra sau khi một học sinh 14 tuổi bị đâm tử vong và một học sinh khác bị thương trong vụ ẩu đả gần trường học, bắt nguồn từ xung đột trên TikTok.
Ông Rama nhấn mạnh: "Vấn đề không phải ở trẻ em, mà là ở chúng ta - những người lớn trong xã hội này - và ở những nền tảng như TikTok, nơi chiếm lấy tâm trí con trẻ".
TikTok, thuộc sở hữu của ByteDance, đã đạt hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới, đặc biệt thu hút giới trẻ nhờ định dạng video ngắn. Tuy nhiên, nền tảng này đang đối mặt với làn sóng chỉ trích và các biện pháp hạn chế từ nhiều quốc gia.
Tại Trung Quốc, ứng dụng này hiển thị nội dung giáo dục và bảo vệ truyền thống, nhưng ở các quốc gia khác, TikTok thường bị cáo buộc phổ biến nội dung bạo lực, thông tin sai lệch và thậm chí cổ xúy hành vi nguy hiểm.
Không chỉ Albania, một số quốc gia châu Âu như Pháp, Đức và Bỉ đã áp đặt các hạn chế sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em. Trong khi đó, Mỹ, Canada, và nhiều nước khác đã cấm nhân viên chính phủ sử dụng TikTok trên thiết bị công vụ vì lo ngại an ninh.
Trước Albania, nhiều quốc gia đã áp dụng lệnh cấm tương tự. Ấn Độ tiên phong cấm hoàn toàn TikTok từ năm 2020, tiếp theo là Afghanistan, Iran, và Kyrgyzstan.