Alan Phan: "Sàn chứng khoán là sòng bài cho những con bạc lớn"

Alan Phan: "Sàn chứng khoán là sòng bài cho những con bạc lớn"

Các sàn chứng khoán là sòng bài dành cho những con bạc có vốn lớn và có OPM (tức là tiền người khác).  

Tôi vẫn nghĩ rằng, các sàn chứng khoán là sòng bài dành cho những con bạc có vốn lớn và có OPM (other people’s money, tức là tiền người khác). Tuy nhiên, lòng tham và sự sĩ diện "thắng cuộc" vẫn thu hút khá nhiều con thiêu thân nhỏ lẻ, dù đánh theo cơ bản hay lướt sóng. Thời đại mới, công nghệ mới, tay chơi mới, thủ thuật mới... tạo nên sự dao động biên độ và biến chuyển không ngừng cả với những cơn sóng lớn xen lẫn các đợt thoái trào sâu. Những cao thủ lướt sóng và có tin tức nội gián tốt là những kẻ sẽ thắng lớn trong các cuộc chơi này tại Việt Nam hay bất cứ nơi nào trên thế giới.

Trong mọi tình huống, những thành phần thắng khác, dù nhỏ nhưng liên tục là sở hay công ty điều hành sàn giao dịch (nhà cái), các công ty tạo ra sản phẩm (công ty niêm yết), các nhà tư vấn, môi giới (thầy cò chạy ngoài với ống loa) và các công ty tạo thị trường (market makers, còn gọi là các đội lái tàu). Vì sự đam mê cờ bạc và lòng tham của tập thể và cá nhân, các sàn chứng khoán là nơi huy động tiền tốt nhất cho các công ty muốn tăng trưởng. Tuy nhiên, mọi người liên quan, từ nhà cái đến thầy cò, từ đội lái tàu đến ban quản trị các công ty niêm yết, phải biết các tay chơi cần gì và muốn gì để kế hoạch tiếp thị và hậu mãi thu hút được doanh thu cao nhất. Do không nắm vững các yếu tố này nên các nhóm tổ chức "sòng bài" thường có nhiều hoang tưởng về trò chơi và tay chơi. Thử phân tích một vài thông điệp PR của nhóm tổ chức về lý do tại sao các nhà đầu tư nước ngoài phải đổ tiền vào Việt Nam, ta có ngay bằng chứng về sự hoang tưởng, ấu trĩ này.

Giá P/E của công ty trên sàn Việt Nam rẻ nhất Á Châu

Khi chúng ta dùng "giá rẻ" để làm vũ khí cạnh tranh thì vô tình chúng ta thú nhận là hàng hóa của chúng ta không có chất lượng hay thương hiệu gì. Dù ai cũng ham lời và tiết kiệm, nhưng trong việc đầu tư và kiểm soát rủi ro, phần lớn các nhà tài chính thích những sản phẩm chất lượng và tăng trưởng bền vững. Vả lại, điều lệ của các quỹ đầu tư đòi hỏi những tiêu chí và thẩm định (rating) khá cao về sản phẩm, cho nên có lẽ khoảng 95% các công ty niêm yết ở Việt Nam không đáp ứng nổi nhu cầu này, dù được bán với giá rẻ mạt.

Trong 6 tháng đầu 2012, sàn Việt tăng giá 22%

Đây là một thông điệp PR coi qua thì đẹp mắt, nhưng nó không "xi-nhê" gì đối với các quyết định đầu tư. Yếu tố quan trọng nhất là thanh khoản. Rất nhiều chuyên gia đầu tư đã rơi vào tình trạng kiếm được mức lời tới 100% trong phi vụ của mình, nhưng không sao thoái vốn được vì thị trường mất thanh khoản. Cho đến khi rút được thì đã phải bán tháo, bán lỗ. Nhìn số tiền giao dịch hàng ngày của hai sàn HOSE và HNX, tôi tính ra là một khoản đầu tư khoảng 10 triệu đô la vào 3 cổ phiếu lớn sẽ mất khoảng 60 ngày để thoái vốn. Trên Nasdaq, việc làm này có thể chỉ mất khoảng 5 giây đồng hồ (vào những ngày chậm).

Việt Nam là một thị trường tiềm năng trong 20 năm tới

  Theo một thống kê, 72% giao dịch trên sàn chứng khoán New York (NYSE) được giữ không quá 11 giây. Tôi chưa gặp một chuyên viên đầu tư nào có cái nhìn xa hơn 3 năm khi thẩm định cơ hội kiếm tiền, kể cả những nhà đầu tư cơ bản và dài hạn như Warren Buffett (ông có thể giữ cả 20 năm nếu đầu tư đó tăng trưởng tốt trong 2 năm đầu). Bỏ tiền để PR cho các nhà đầu tư tài chính về tiềm năng 20 năm sau hoàn toàn là một sự lãng phí tiền bạc.

Chính phủ đang làm mọi cách để nâng đỡ thị trường chứng khoán

Bỏ tiền để PR cho các nhà đầu tư tài chính về tiềm năng 20 năm sau hoàn toàn là một sự lãng phí tiền bạc

Phần lớn mọi người theo kinh tế thị trường đều quan niệm rằng, khi Chính phủ phải can thiệp để hỗ trợ một thành phần kinh tế nào thì đây là giải pháp cuối cùng cho khủng hoảng. Chiêu PR này càng được quảng bá thì càng có tác dụng ngược lại. Nó gợi nên hình ảnh của một con người trong tình thế tuyệt vọng, đang cầu xin ân huệ. Với các nhà đầu tư, kinh doanh kiếm lời là một hoạt động nghiêm túc và ích kỷ. Thị trường chứng khoán mọi nơi trên thế giới, dù có chỗ cho việc cầu nguyện, không bao giờ có chỗ để làm từ thiện.

Để hiểu thêm về động lực của các nhà đầu tư trên các thị trường chứng khoán, tôi và một vài sinh viên của trường đại học Southern Cross (Úc) đã hoàn tất một khảo sát vào năm 2004 với 575 nhà quản lý quỹ đầu tư khắp thế giới. Ngoài thanh khoản, công ty chất lượng (có kỷ cương và thương hiệu) và mức độ tăng trưởng, những yếu tố quan trọng khác là hệ thống hành chính và pháp lý, việc chuyển đổi bản tệ ra ngoại tệ và thông tin tự do, minh bạch.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện thiếu sót và tụt hậu rất xa so với các đối thủ xa gần trên tất cả các lĩnh vực nêu trên. Và đó là lý do chính tại sao các doanh nghiệp niêm yết rất khó thu hút hay huy động dòng vốn ngoại.

Bí quyết để thu hút khách hàng, xây dựng thương hiệu và niềm tin luôn luôn là một công thức dựa trên sự thỏa mãn của "thượng đế" qua sản phẩm, dịch vụ và chương trình hậu mãi. Các nhà tổ chức liên quan đến thị trường chứng khoán Việt Nam dường như vẫn chưa nắm vững công thức này.

T/S Alan Phan là Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa tại Hong Kong và Shanghai.

Ông đã làm việc tại nhiều công ty đa quốc gia ở Wall Street và phát triển công ty Hartcourt của mình thành một tập đoàn niêm yết trên sàn Mỹ với thị giá hơn 700 triệu dollars. Ông sống và làm việc tại Trung Quốc từ 1999. T/S Phan tốt nghiệp BS tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông đã xuất bản 7 cuốn sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Email: aphan@asiamail.com và Web: www.gocnhinalan.com