Bia nhập lậu tạo ra sự cạnh tranh không sòng phẳng với các loại bia sản xuất trong nước. Ảnh: Đức Thanh.

Bia nhập lậu tạo ra sự cạnh tranh không sòng phẳng với các loại bia sản xuất trong nước. Ảnh: Đức Thanh.

Ai uống phải bia nhập lậu, kém chất lượng?

 Bia nhập lậu tràn lan đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với bia sản xuất trong nước và bia nhập khẩu chính ngạch. Không thống kê được có bao nhiêu bia nhập lậu, kém chất lượng được tung ra thị trường.

Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), cho biết, tính đến hết năm 2012, thị trường bia Việt Nam đã hội gần đủ các công ty sản xuất bia lớn trên thế giới, với sản lượng khoảng 3 tỷ lít/năm.

 

Bia là mặt hàng kinh doanh mang lại nhiều lợi nhuận, chính vì thế, mà tình trạng bia nhập lậu đang làm cho các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước lo ngại bị giảm thị phần do cạnh tranh không sòng phẳng.

 

Hơn nữa, ngân sách nhà nước bị thất thu một khoản tiền thuế không nhỏ (ước tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm).

 

Từ đầu năm đến nay, Ban công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban 127) đã bắt giữ hơn 30 vụ vận chuyển bia lậu vào thị trường nội địa bằng đường bộ qua các cửa khẩu. Thống kê này chưa bao gồm các vụ nhập lậu bằng đường biển.

 

Đầu tháng 5 năm nay, Ban 127 đã thu giữ khoảng 500.000 chai và lon bia hiệu Heineken nhập lậu tuồn vào thị trường Việt Nam. Và trên thực tế, lượng bia lậu đã lọt vào thị trường nội địa chắc chắn lớn hơn con số trên rất nhiều. Đại diện Cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, bia nhập lậu dễ dàng thâm nhập vào thị trường, qua mặt các nhà quản lý một phần là do các quy định hiện hành còn bộc lộ không ít bất cập.

 

Cụ thể, theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/9/2006 về nhãn hàng hoá, các sản phẩm bia ngoại nhập khẩu vào Việt Nam chỉ phải dán tem trên vỏ thùng bên ngoài.

 

Ông Nguyễn Công San, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội thừa nhận, việc phân biệt bia nhập khẩu chính ngạch và bia nhập lậu rất khó, bởi rượu nhập khẩu thì có dán tem, còn bia thì không. Muốn phân biệt rõ chỉ căn cứ vào hồ sơ, chứng từ.

 

“Do vậy, một số đối tượng đã sử dụng chứng từ quay vòng để hợp thức hóa các lô hàng bia được mua bán qua hình thức nhập lậu”, ông San nói.

 

Bia nhập lậu tràn vào thị trường cũng khiến các doanh nghiệp trong nước bị chia sẻ thị phần.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Larry Lee, Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy Bia châu Á - Thái Bình Dương Hà Nội, chuyên sản xuất nhãn hiệu bia Heineken, Tiger, Biere Larue, Anchor… cho biết, bia nhập lậu vào thị trường nội địa thường dồn dập vào thời điểm tiêu thụ nhiều, như hè, dịp lễ, Tết, làm ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp trong nước.

 

“Việc ngăn chặn bia nhập lậu sẽ được cải thiện, nếu các khu vực tự do thuế quan và đặc khu kinh tế áp dụng cùng một chính sách giống Cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Chúng tôi mong muốn, trong thời gian tới, cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ có những điều chỉnh về mặt chính sách để hạn chế tình trạng bia nhập lậu tràn lan vào thị trường, đồng thời hy vọng Chính phủ sẽ thực hiện chương trình chống hàng nhập lậu thường xuyên hơn, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết”, ông Larry Lee đề nghị.

 

PGS -TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia- Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, trong lĩnh vực sản xuất bia, các thương hiệu lớn như Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn, Heineken, Tiger, Carlsberg… đều có thị phần và đối tượng khách hàng của riêng mình. Các doanh nghiệp này luôn có sự cạnh tranh lành mạnh với nhau và cùng nhau tạo nên động lực phát triển cho ngành, tham gia đầy đủ trách nhiệm nộp thuế cho Nhà nước.

 

“Tuy nhiên, tình trạng bia nhập lậu, bia kém chất lượng đang có xu hướng gia tăng, nhưng cơ quan chức năng lại chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh bia trong nước cũng bị vạ lây. Nếu các quy định về nhập khẩu bia được siết chặt, thì ngân sách nhà nước sẽ được bổ sung thêm một nguồn thu đáng kể”, ông Việt nói.