Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam

Bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam

AI tạo sinh sẽ thay đổi cuộc sống người dân Việt nếu được triển khai có trách nhiệm

0:00 / 0:00
0:00
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam. Theo bà Trâm, AI tạo sinh (Generative AI) có tiềm năng trở thành một chất xúc tác thúc đẩy phát triển kinh tế ở châu Á, trong đó có Việt Nam.

AI tạo sinh ngày càng được ứng dụng rộng rãi ở châu Á, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Bà đánh giá như thế nào về những cơ hội lớn mà công nghệ này mang lại cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam?

Có thể thấy, dù chatbot đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng phải đến khi các bộ công cụ tích hợp AI tạo sinh để tạo hình ảnh, video và văn bản như DALL-E 2, Fotor, Runway, AlphaCode và ChatGPT... nở rộ, AI mới thực sự tiến sâu vào đời sống.

Việc tích hợp những công cụ này vào các sản phẩm phần mềm phổ thông dưới dạng “trợ lý” đang hỗ trợ con người ngày càng nhiều trong công việc. Tôi cho rằng, khi được triển khai một cách có trách nhiệm, AI tạo sinh sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa làm thay đổi các ngành công nghiệp, thúc đẩy nâng cao năng suất và đổi mới, đồng thời cải thiện cuộc sống của hàng tỷ người.

AI tạo sinh có thể tự động hóa các tác vụ thủ công, giải phóng thời gian cho nhân viên để tập trung vào các công việc đòi hỏi sự sáng tạo hơn. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, giảm chi phí và cải thiện chất lượng công việc. Bên cạnh đó, AI tạo sinh có thể tạo ra các trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa và hấp dẫn hơn.

AI tạo sinh có thể được sử dụng để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường để thúc đẩy sự đổi mới trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, các vấn đề xã hội, cải thiện cuộc sống người dân cũng được giải quyết nhờ AI tạo sinh. Theo đó, công nghệ này có thể tạo ra cơ hội để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, cải thiện chất lượng giáo dục hay là phát triển các năng lượng tái tạo.

Vậy theo bà, cơ hội từ AI tạo sinh đã được các tổ chức, doanh nghiệp tại châu Á, trong đó có Việt Nam, nắm bắt hiệu quả hay chưa?

Theo một cuộc khảo sát của IDC, khoảng 70% các tổ chức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ đang xem xét hoặc đã đầu tư vào công nghệ AI tạo sinh. Đây là tín hiệu rõ ràng cho sự “lên ngôi” của AI tạo sinh ở châu Á trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp châu Á đang nắm bắt tốt những cơ hội mà AI tạo sinh mang lại, đặc biệt tại Việt Nam. Trusting Social, công ty tiên phong về AI trong lĩnh vực tài chính tại Việt Nam, vừa cho ra mắt Agent Foundry, nền tảng cung cấp trợ lý ảo chuyên ngành cho doanh nghiệp dựa trên AI tạo sinh. Được tích hợp công nghệ đám mây và AI của Microsoft là Azure và OpenAI, những trợ lý ảo của Agent Foundry có khả năng tự học, tự hành với mục đích giúp người lao động tăng năng suất, thêm tri thức và sức sáng tạo; giúp doanh nghiệp đổi mới, tăng hiệu quả, tiếp cận và phục vụ được nhiều khách hàng hơn.

Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế số cao nhất Đông Nam Á, với mức tăng 28% trong năm 2022. Việt Nam cũng có hệ sinh thái khởi nghiệp sôi động thứ 3 Đông Nam Á với tổng số gần 4.000 startup và 4 kỳ lân. Việt Nam đóng vai trò quan trọng trên bản đồ gia công phần mềm toàn cầu, với khoảng 6.000 công ty công ty công nghệ thông tin đang hoạt động. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong phát triển game blockchain, đón đầu phong trào Metaverse.

Tôi tin rằng, chúng ta cũng sẽ sớm được chứng kiến sự trỗi dậy của các ứng dụng AI tạo sinh “made in Việt Nam”.

Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong ứng dụng AI tạo sinh vào hoạt động sản xuất - kinh doanh

Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong ứng dụng AI tạo sinh vào hoạt động sản xuất - kinh doanh

Cơ hội lớn luôn đi kèm thách thức lớn. Theo bà, đâu là những thách thức chính mà các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ phải đối mặt khi triển khai AI tạo sinh?

Dù mang lại nhiều cơ hội, AI tạo sinh vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu với một số thách thức cần được giải quyết. Theo tôi, một trong những thách thức lớn nhất là vấn đề dữ liệu. Để đào tạo các mô hình AI tạo sinh, cần có một lượng lớn dữ liệu chất lượng cao. Tuy nhiên, việc thu thập và xử lý dữ liệu ở Việt Nam có thể gặp khó khăn do sự đa dạng về ngôn ngữ giữa các vùng miền và văn hóa.

Một thách thức khác là vấn đề bảo mật. AI tạo sinh có thể được sử dụng để tạo ra các nội dung giả mạo hay các sản phẩm và dịch vụ có hại cho xã hội, cũng như gây tổn hại đến danh tiếng của tổ chức, doanh nghiệp.

Ngoài ra, pháp luật về AI tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển với nhiều điểm chưa được hoàn thiện. Điều này có thể khiến các tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc ứng dụng AI tạo sinh.

Trước những cơ hội và thách thức đó, theo bà, các doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội từ AI tạo sinh?

Trên khắp thế giới, các tổ chức và cá nhân đã có nhận thức rõ ràng về việc sử dụng AI tạo sinh một cách có trách nhiệm và thận trọng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần bắt đầu chuẩn bị cho tương lai của AI tạo sinh ngay từ bây giờ để tận dụng cơ hội và vượt qua các thách thức, bao gồm việc đầu tư xây dựng các nền tảng dữ liệu mạnh mẽ, đào tạo nhân viên và phát triển các chiến lược AI phù hợp với nhu cầu kinh doanh của mình một cách có hệ thống.

Song song với việc theo dõi kết quả của việc ứng dụng cũng đừng quên phát triển các quy trình và chính sách để đảm bảo AI được sử dụng một cách có đạo đức và trách nhiệm.

Theo tôi, hãy bắt đầu từ những bước nhỏ và tập trung vào những lợi ích cụ thể mà tổ chức, doanh nghiệp muốn đạt được từ việc sử dụng AI tạo sinh.

Chẳng hạn, một số tổ chức có thể tận dụng AI tạo sinh để tối ưu hoá hiệu quả làm việc, trong khi một số tổ chức khác, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp, có thể dùng AI để tạo ra một sự thay đổi mang tính đột phá và có lợi thế cạnh tranh. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể áp dụng cách tiếp cận từng bước, trong khi các tổ chức lớn hơn có thể quan tâm đến việc xây dựng các mô hình AI tùy chỉnh.

Tin bài liên quan