Ai sẽ cứu thị trường trong thời điểm hiện nay? Sẽ chẳng có ai cứu cả, nếu như mình cứ buông xuôi và không tự cứu lấy mình.
Sau một thời gian nỗ lực “dò đáy” và “bắt đáy”, hoạt động mua vào của thị trường đã được thả nổi và thích ứng theo nhịp bán ra. Càng cố bán ra và bán bằng mọi giá thì càng làm nhụt nỗ lực mua vào, đẩy thị trường đi xuống, dẫn đến trạng thái bất an và hoảng sợ lớn dần, điều này càng thúc đẩy hoạt động bán ra và vòng xoáy cứ thế tiếp diễn.
“Lịch sử những tháng đầu năm 2008 của TTCK Việt Nam có lặp lại” là câu hỏi đang đè nặng lên tâm trí hiện nay của các nhà đầu tư. Thực tế cuộc sống đời thường cho thấy, tâm lý bất an và hoảng loạn khiến cảm nhận, đánh giá và so sánh về hoàn cảnh bên ngoài trở nên phiến diện, hời hợt và thiếu logic, dẫn đến những quyết định và hành vi ứng xử không phù hợp. Do vậy, cần bình tâm xem xét và so sánh 2 giai đoạn (giai đoạn đầu năm 2008 và giai đoạn hiện nay) theo một số góc nhìn khác nhau.
Giai đoạn đầu năm 2008: nhằm giữ giá trị của VND trước dòng vốn bên ngoài ồ ạt đổ vào Việt Nam từ cuối năm 2006 và đầu năm 2007, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tung VND ra để mua vào gần 10 tỷ USD trong khi không thực thi những giải pháp đồng bộ để hút VND về. Hệ quả là tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ của nền kinh tế tăng tương ứng 43,7% và 53,9% trong năm 2007.
Chính sách tài khóa lỏng đã làm cho bội chi ngân sách tăng liên tục qua các năm và năm 2007 chi ngân sách chiếm khoảng 40% GDP. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế vẫn là ưu tiên số một trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 của Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu ưu tiên này, dư nợ tín dụng tiếp tục đà tăng mạnh (trong 3 tháng đầu năm 2008, tổng dư nợ tín dụng tăng khoảng 13%).
Cơn bão giá cả hàng hóa trên thế giới (dầu mỏ, lương thực, các loại nguyên vật liệu…) diễn ra ngay từ đầu năm 2008 đã làm cho những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam được dịp bùng phát và nền kinh tế nước ta rơi vào trạng thái khó khăn: chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh và liên tục trong những tháng đầu năm 2008, đến tháng 5/2008 đã tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước; xu hướng đầu cơ hàng hóa và nguyên vật liệu diễn ra trên diện rộng; nhập siêu trong 5 tháng đầu năm 2008 là hơn 14 tỷ USD, vượt cả năm 2007…
Việc ban hành dồn dập những văn bản chỉ đạo điều hành của các cơ quan Đảng, Quốc hội và Chính phủ khi đó (như Kết luận số 22 - KL/T.Ư của Bộ Chính trị về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2008, Nghị quyết số 20/2008/QH12 của Quốc hội và Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP của Chính phủ) đã làm cho thị trường “bừng tỉnh” và nhận thức được nguy cơ của một cuộc khủng hoảng kinh tế cận kề.
Lãi suất cơ bản lần đầu tiên được NHNN điều chỉnh theo tín hiệu cung - cầu vốn của thị trường và là công cụ để NHNN điều tiết lãi suất huy động, lãi suất cho vay trên thị trường tín dụng và thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó là tăng dự trữ bắt buộc, phát hành trái phiếu bắt buộc đối với các NHTM.
Trên TTCK, nhằm ngăn chặn làn sóng giải chấp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện giải pháp mang tính kỹ thuật là điều chỉnh biên độ giao dịch; Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán ra lời kêu gọi các CTCK thành viên ngừng bán tháo cổ phiếu tự doanh… Tuy nhiên, những biện pháp này vẫn không ngăn được dòng lũ bán ra, thị trường vẫn sụt giảm.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng vậy, một loạt báo cáo bất lợi về tình hình kinh tế Việt Nam từ các tổ chức nước ngoài được tung ra đã châm ngòi cho cuộc tháo chạy trên TTCK; các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài ồ ạt bán trái phiếu và rút tiền về nước.
Hiện nay, tình hình kinh tế và cách thức điều hành vĩ mô khác xa với những gì đã xảy ra trong những tháng đầu năm 2008. Về tính thanh khoản của TTCK, trong những tuần đầu tháng 12 này, khối lượng giao dịch khớp lệnh bình quân tại HOSE đạt khoảng 35 triệu đơn vị/phiên, tương ứng với tốc độ vòng quay (khối lượng giao dịch khớp lệnh/tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành sẵn sàng để giao dịch) vào khoảng 20%/tháng. Với tốc độ đó thì không thể nói là thị trường có tính thanh khoản kém. Do vậy, nếu bình tâm trở lại, cảm nhận của thị trường sẽ khác và hành vi mua bán sẽ trở nên hợp lý hơn.