1. Câu nói theo xu hướng thịnh hành nhất Việt Nam năm 2019 là: “Tiền nhiều để làm gì?”. Và rồi từ đó, có rất nhiều biến tấu: “Nhà nhiều để làm gì?”, thậm chí “Vợ nhiều để làm gì?” rất hài hước.
Có tuần nào đó, trên chuyên mục này, tôi viết về việc có người nhiều nhà tới mức cuối tuần phải chạy show đi mở cửa và dọn dẹp vệ sinh. Một cặp vợ chồng hiện có 2 - 3 căn nhà không phải là hiếm, thậm chí càng ngày càng phổ biến trong xã hội. Riêng mô hình có căn hộ tiện đi lại trong thành phố, có miếng đất vườn ở ngoại ô đã ngày càng trở thành xu hướng.
Một căn hộ 2 phòng ngủ rộng ở quận 5, quận 6 (TP.HCM) giá trung bình chừng 3 tỷ đồng, một miếng đất nhà vườn ở ngoại ô giá trung bình 3 tỷ đồng, vậy là đã có thể sống thanh nhàn hưởng thụ, không cần quá cố gắng bon chen.
Mua chiếc xe hơi vừa tiền chừng 700 triệu đồng, cả nhà bao gồm 2 thế hệ có thể cuối tuần ung dung biết thế nào là cảnh sắc thiên nhiên cuối tuần, vô cùng lành mạnh và có ích cho lũ trẻ. Nếu dư thêm chút, mua căn hộ 1 phòng ngủ giá chừng 2 tỷ đồng nữa ở vùng biển nào đó, là đã chạm tới ngưỡng của cuộc sống dư thừa. Đừng đòi hỏi thêm nữa, vì có nhiều tiền hơn mà không biết cách xài tiền, thì cũng chẳng bao giờ là đủ.
Căn nhà mặt tiền ít nhất 20 tỷ đồng, nhưng không cung cấp cho chúng ta sự ấm êm trên cõi đời này, cũng chẳng có ích lợi gì.
Tôi có quen vợ chồng chị bạn, ngày nào vợ chồng chị không cãi nhau, là cảm thấy hơi buồn. Cãi vì các việc rất không đâu vào đâu, nhưng sâu xa vẫn là sự eo hẹp tài chính. Vợ chồng chị có căn nhà 4 tầng lầu trong khu đô thị xịn nhất tại quận 2, TP.HCM, nhưng thu nhập hàng tháng thì không dư dả. Sự may mắn của anh chị là đã mua được miếng đất và cất căn nhà vào thời gian mà đất đang rẻ nhất. Chứ nếu tính ra bây giờ, thì cả đời làm công ăn lương nhà nước văn phòng của 2 người, không đủ mua được 1/2 miếng đất, chứ đừng nói tới cả 100 m2 ngon nghẻ giữa khu đất vàng. Ở nhà đẹp, nhưng tiền lại không có dư. Vậy sao lại không bán quách đi, mua 2 - 3 căn hộ, căn để ở, 2 căn cho thuê. Tính dùm gia đình người ta vậy, nhưng người ta lại không tính vậy. Người ta tính giữ căn nhà ấy sau này cho thằng con trai. Rồi nó còn phải lấy vợ sinh con. Nó có căn nhà khang trang để ở.
Cứ tiết kiệm thế mãi, giờ cặp vợ chồng chị bạn đã ngấp nghé 50 tuổi rồi. Bệnh tật đã bắt đầu hỏi thăm rồi. Nhưng vẫn đang tính toán mỗi tháng mua bán ăn đồ gì để chỉ vừa tiền lương 6 triệu của bà vợ thôi.
Đời ngắn thế này, sao mà khổ quá trời đất ạ!
2. Ai rồi cũng có căn nhà để ở. Tiêu cực và chán nản nhất là chỗ trọ tồi tàn trên dòng kênh nước đen, thậm chí lăn lê ngoài hè phố với các cà phê võng 10.000 đồng ngủ hết đêm, sáng ra lại vào vòng quay kiếm ăn vật vã. Tích cực hơn là các căn nhà rộng rãi trong con hẻm, hay các căn hộ có thang máy sạch sẽ, phải đóng thêm gần 1 triệu đồng tiền quản lý phí. Và chủ nhân của các căn nhà thuê này, chỉ tá túc chừng 5 - 7 năm sau khi ra trường, là bắt đầu đã có tích lũy để mua trả góp nhà chung cư đâu đó. Trung cấp và cao cấp hơn, là một người có nhiều nhà, với cách tính toán sao cho có lợi nhất của các ông bà chủ.
Dù tích cực hay tiêu cực, mỗi tối, chúng ta đều buồn ngủ và chợp mắt vào giấc ngủ. Sáng ngày ra, người dậy sớm, kẻ dậy trễ, nhưng cũng đều bắt đầu vào ngày mới với thêm lo toan mới hoặc gặm nhấm lo toan cũ. Vòng quay ấy đều đặn và càng ngày càng nhanh hơn. Tuổi lên 10 thấy năm học trôi đi sao chậm quá. Tuổi 20 bắt đầu thấy thời gian nhanh hơn chút. Tuổi 30 thì cảm giác quá nhanh. Và tuổi 40 thì trời ơi, thời gian chạy hơn cả ngựa vía.
Cứ như thế, theo thời gian, chỗ ở càng ngày càng yên ổn hơn, với đại đa số dân chúng. Chỉ có số ít, do vỡ nợ, do bị lừa, mà lớn tuổi vẫn phải long đong kiếm chỗ ở. Dưới mái nhà ấy, người ta kiếm tiền, sinh sống, vui và buồn. Đâu có ai lúc vào giấc ngủ mà phân biệt đây là giấc ngủ của nhà thuê hay của nhà mua.
Ai rồi cũng phải trải qua chừng đó kế sinh nhai, yên tâm mà chèo lái đi qua. Sao phải nghĩ suy nhiều cho già nhanh, lại tốn tiền mua thuốc nhuộm tóc và dưỡng da.
Thế nên, cứ bình tĩnh sống.