Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 4/11.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 4/11.

"Ai quản lý ngoài đời thực cái gì thì quản lý cái đó trên không gian mạng"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng vì cho rằng chỉ Bộ Công an với Bộ Thông tin và Truyền thông thì không thể ngăn tin xấu độc.

Chặn sim rác để chống lại lừa đảo chiếm đoạt, giả mạo tin nhắn ngân hàng...

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sáng 4/11, đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An) nêu vấn đề, thời gian gần đây, tình hình tội phạm công nghệ cao như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, giả mạo tin nhắn các ngân hàng, đá gà, đánh bạc qua mạng... có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như an ninh mạng, tài chính, ngân hàng, đất đai, công chứng còn sơ hở, thiếu sót, chưa có sự phối hợp chặt chẽ.

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An)

Đại biểu Lê Thị Song An (đoàn Long An)

"Bộ có nhiều giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên mặt trận phòng, chống tin giả, thông tin xấu, độc trên mạng, tuy nhiên việc ngăn chặn, xử lý có lúc còn chậm, là cơ hội cho tin giả tồn tại và phát tán rộng gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế, an ninh, trật tự, quyền lợi và lợi ích của những tổ chức, cá nhân.

Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng đã có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề trên?", bà An nêu câu hỏi.

Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà ở hầu hết các nước và gần đây rất nhiều vụ lừa đảo sử dụng các phương tiện thông tin, trong đó có số điện thoại và thông qua các trang web.

Thời gian vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thiện các văn bản, thể chế đã ban hành, trong đó định nghĩa rõ các hành vi và quy định các quy trình xử lý hành chính, mức phạt và cơ chế chuyển cho công an xử lý hình sự. Bộ cũng đã công khai các đầu số điện thoại, cụ thể là 156 các trang web để tiếp nhận phản ánh của người dân về các hoạt động vi phạm.

Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã rà quét và ngăn chặn khoảng 1.700 trang web có dấu hiệu lừa đảo và nếu như không ngăn chặn thì sẽ có 3,1 triệu người truy cập vào các trang web này, là nơi có xác suất bị lừa đảo rất lớn.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang tập trung vào việc xử lý sim rác, là một trong những phương tiện để thực thi các hoạt động lừa đảo. Bước đầu tiên là xoá khỏi hệ thống những thuê bao không có đầy đủ thông tin, sau đó đối soát thông tin thuê bao xem có chính xác không, việc này đến đầu năm 2023 sẽ xong; thứ ba là xử lý sim không chính chủ.

Đề nghị Bộ Công thương quản lý tin xấu độc về hàng hoá, Bộ Văn hoá Thể thao quản lý tin xấu về thuần phong mỹ tục...

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) cho rằng ngăn chặn tác hại của thông tin xấu độc trên không gian mạng là việc không dễ dàng. Ông Nghĩa đặt câu hỏi cho Bộ trưởng về giải pháp căn cơ nhất để xử lý tình trạng này trong bối cảnh lực lượng ngành thông tin truyền thông còn mỏng đồng thời số tài khoản mạng xã hội lên đến hàng chục triệu và có những tài khoản ở nước ngoài.

Trả lời đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định việc kiểm soát thông tin xấu độc ở Việt Nam thực sự khó khăn bởi lực lượng mỏng, trong khi đó một người Việt Nam hiện có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau.

Đề ra giải pháp căn bản, ông Hùng cho rằng: “Thế giới thực ra sao, lên mạng cũng vậy. Ai quản lý cái gì ở thế giới thực thì sang không gian mạng quản lý cái đó”.

Do đó, tất cả bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường cần quản lý lĩnh vực của mình trên không gian mạng. Thậm chí đến mức tế bào là gia đình cũng cần quản lý con cái trên không gian này.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, toàn bộ xã hội vào cuộc mới có thể giải quyết căn cơ vấn đề trên không gian mạng. Nếu chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an thì không đủ lực lượng để xử lý các vi phạm trên không gian mạng.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên)

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên)

Tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng về quan điểm "Ở ngoài đời thế nào thì trên mạng như vậy", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nói ông rất hoan nghênh quan điểm này.

Ông Nghĩa cũng bổ sung thêm là ngoài đời chúng ta quản lý theo lãnh thổ, theo địa giới hành chính, nhưng mạng là trên nền tảng đa quốc gia.

Vì vậy, nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn thông tin và xử lý những tài khoản có vi phạm thì chẳng khác gì khi thực hiện phòng Covid-19 mới đeo khẩu trang, cách ly, phong tỏa… mà chưa có vắc-xin. Đại biểu Nghĩa cho rằng, giải pháp căn cơ nhất là cần nâng cao sức đề kháng với các thông tin xấu độc.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhất trí với đại biểu câu chuyện đề kháng, không chỉ riêng xấu, độc đâu, tất cả các thứ đều cần sức đề kháng. Trên không gian mạng thì tin giống như không khí, tin xấu mà nhiều tức là không khí bị vấy bẩn. Chúng ta sáng nào cũng đọc thông tin trên mạng, nó đầu độc chúng ta, không khí thì đầu độc phổi, thông tin thì đầu độc não.

"Tôi nói đời thực với đời ảo, ý là ai quản lý cái gì trong đời thực thì nên quản lý cái đấy trên không gian mạng. Lĩnh vực Công thương để quản lý hàng hóa, lĩnh vực Văn hóa quản lý thuần phong mỹ tục, ... chỉ như vậy chúng ta mới có đầy đủ nguồn lực để làm cho không gian mạng lành mạnh, làm cho không gian mạng lành mạnh tức là làm cho không khí lành mạnh", Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng cũng chia sẻ thêm về việc đã có đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa thêm nội dung kỹ năng số vào trong chương trình đào tạo công nghệ thông tin từ lớp 3 cho các em học sinh như một loại đề kháng.

Ngoài ra, ông Hùng cũng cho biết Bộ đã chính thức cho chạy một nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân. Đây là một nền tảng online trên không gian mạng, người dân có thể vào xem, tìm kiếm, hỏi đáp và có những kỹ năng cơ bản để sống trong môi trường số.

"Chúng tôi luôn luôn nghĩ rằng không gian mạng là của chúng ta, mỗi chúng ta phải có trách nhiệm làm cho không gian đấy lành mạnh, có cơ quan chủ lực là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an; nhưng cần có sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị nữa. Còn chuyện làm sạch vẫn phải làm, vì nó là bình diện quốc gia. Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông vận hành một hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin", ông Hùng nói.

3 nhóm vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

(1) Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số. Công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia;

(2) Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi;

(3) Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chính phần chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Trong phiên làm việc buổi sáng và đầu giờ chiều 4/11 đã có 33 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 13 đại biểu tranh luận.

Tin bài liên quan