Tại một hội thảo mang tên "Tác động của khủng hoảng tài chính Mỹ đến TTCK Việt Nam và các giải pháp phát triển ổn định" mới đây, ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch UBCK nhắc lại đề xuất, trong trường hợp TTCK suy giảm mạnh và kéo dài, Chính phủ cần chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua vào hỗ trợ cổ phiếu ngành tài chính (ngân hàng, bảo hiểm) từ nguồn vốn thu được do chênh lệch giá trong quá trình đấu giá CPH trước đây, nhằm góp phần ổn định thị trường và kích cầu đầu tư. Ngoài ra, cần xem xét lập quỹ bình ổn, một phần từ vốn nhà nước, một phần từ các tổ chức tài chính và ngân hàng lớn trong nước, một phần nhỏ từ các tổ chức nước ngoài để tạo thành một gói tài chính đủ mạnh, nhằm hỗ trợ thị trường vào thời điểm chứng khoán xuống thấp và bắt đầu có dấu hiệu hồi phục để kích cầu, tạo ra sự hồi phục bền vững cho TTCK…
Ông Nguyễn Đình Tài, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ ý tưởng trên bằng kinh nghiệm trên TTCK Trung Quốc. Nhằm tăng cầu cho TTCK, phát triển mạnh kênh huy động vốn này, Chính phủ Trung Quốc đặt sự quan tâm nhiều hơn đối với vấn đề bảo vệ NĐT chứng khoán. Theo quy định mới, các CTCK nước này sắp tới sẽ phải bỏ ra một khoản tiền nhất định để lập quỹ bảo vệ các NĐT. Quỹ đặc biệt này sẽ thu tiền từ tất cả các CTCK đang hoạt động tại Trung Quốc. Số tiền trên được quản lý và sử dụng bởi một công ty được lập ra chuyên để bảo đảm lợi ích cho các NĐT trong những trường hợp xấu. Như vậy, khoản tiền này có thể được tung ra để bình ổn thị trường trong những lúc biến động quá dữ dội, qua đó giúp các NĐT khỏi bị sốc. Quỹ cũng có thể sẽ được dùng để đầu tư sinh lợi và sử dụng lại cho các hoạt động có lợi cho giới đầu tư nước này. Ngoài ra, UBCK Trung Quốc đã ra quy định nhằm hạn chế việc lãnh đạo các công ty niêm yết bán cổ phiếu ra ngoài để trục lợi và làm lũng đoạn thị trường. Theo đó, lãnh đạo các công ty đại chúng không được phép bán cổ phiếu của mình trước thời hạn 01 năm kể từ ngày công ty niêm yết trên sàn và 6 tháng kể từ ngày nghỉ việc tại công ty niêm yết.
Tuy nhiên, nói chuyện lập quỹ bình ổn không thể không nhắc đến lực lượng nòng cốt (dự kiến) tham gia quỹ này: đó là các CTCK Việt Nam và tình cảnh hiện nay của họ. Báo cáo mới đây của CTCK APEC (APECS) với cái nhìn của một người trong cuộc đã vẽ ra một bức tranh khá ảm đạm khi dự báo, chỉ có top 20 CTCK trong tốp đầu là có khả năng tồn tại.
Năm 2006, số lượng CTCK tăng đột biến từ 14 công ty lên 55 công ty (tăng 393%), trong đó phần lớn nhận được giấy phép thành lập vào tháng 12 cùng năm (chiếm tới 83% số lượng CTCK nhận giấy phép thành lập trong năm). Năm 2007, tăng trưởng giá trị giao dịch cao hơn tăng trưởng số lượng CTCK, bởi vậy giá trị giao dịch/1 CTCK tăng cao, giúp các đơn vị này có lãi hơn trong hoạt động môi giới. Ngược lại, năm 2008 tăng trưởng giá trị giao dịch không theo kịp với tăng trưởng số lượng CTCK, nên giá trị giao dịch trung bình/1 CTCK có xu thế giảm. Theo tính toán của APECS, doanh thu từ môi giới trung bình mỗi công ty thu khoảng 500 triệu đồng/CTCK/tháng và không đủ bù đắp chi phí hoạt động thông thường khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/CTCK/tháng. Song đây không phải là nguyên nhân chính gây nên thua lỗ. CTCK thua lỗ nặng do phong trào "tự doanh", đầu tư quá ít vào tài sản cố định, đầu tư vào chứng khoán quá lớn. Hiện tài sản chủ yếu của nhiều CTCK là chứng khoán đầu tư (ngắn hạn và dài hạn). Giá trị danh mục đầu tư đi xuống cùng với thị trường là nguyên nhân chính dẫn đến việc thua lỗ của các thành viên thị trường trong năm qua, trong khi doanh thu từ các hoạt động khác (tư vấn tài chính DN, tư vấn đầu tư…) là không đáng kể.
Rõ ràng là với tình hình thị trường hiện nay, nếu không có sự cải thiện đáng kể từ thị trường tài chính toàn cầu cũng như nội tại thị trường tài chính Việt Nam, cũng như CTCK không tìm được hướng đi đúng cho riêng mình sẽ có rất nhiều công ty lâm vào cảnh khó khăn và có nguy cơ phá sản. "Cứu mình còn khó huống chi cứu người", trích một số tiền nào đó tham gia quỹ bình ổn thị trường (nếu được thành lập) ở thời điểm này với nhiều CTCK e là chuyện khá xa vời.