Một lô nhà liền kề của dự án Vân Canh

Một lô nhà liền kề của dự án Vân Canh

Ai “làm xiếc” giá đất Vân Canh?

Từ cuối năm 2009 đến nay, khu đô thị mới Vân Canh (Hoài Đức - Hà Nội) là một trong những dự án có giá nhà đất tăng mạnh, được nhiều người săn tìm dù thông tin về dự án còn mù mờ. Không ít người đã xơi quả đắng khi đặt tiền vào canh bạc mạo hiểm.

Giăng bẫy khách hàng

Cuối năm 2009, khi thông tin quy hoạch trục Hồ Tây –Ba Vì còn chưa rõ ràng thì nhà đất tại dự án khu đô thị Vân Canh do Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Việt Nam (HUD) làm chủ đầu tư, đã trở thành điểm nóng thu hút các nhà đầu tư. Nhiều văn phòng môi giới nhà đất ào ào nhận tiền đặt cọc mà không biết có mua được nhà cho khách hay không.

Anh Trần Đại - trú tại tập thể Kim Liên than rằng đi hỏi khắp nơi, vào mạng tìm kiếm, nhưng cũng không biết đâu là đơn vị phân phối chính thức các sản phẩm dự án Vân Canh. Cũng vì vậy nên anh Đại chấp nhận rủi ro đặt tiền cho một văn phòng môi giới.

Có lẽ cũng do độ nóng từ dự án Vân Canh nên chỉ tính từ tháng 10/2010 đến tháng 8/2011, nhiều người đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền lên tới gần 60 tỷ đồng.

Thực tế chưa dừng lại ở đó. Đại diện một văn phòng môi giới nhà đất cho biết, mặc dù có quá nhiều rủi ro nhưng lúc nào cũng có người săn tìm sản phẩm của dự án này. Nguyên nhân là, dự án trong tương lai nằm gần tuyến Hồ Tây - Ba Vì, và tiến độ xây dựng nhà và hạ tầng khá nhanh.

Không phải ngẫu nhiên mà dân đầu tư lao vào dự án Vân Canh. Từ lâu thông tin rò rỉ ra ngoài là giá gốc khá mềm và họ kỳ vọng vào những khoản chênh lệch lớn. Đúng như lời đồn, với nhà liền kề (giá gốc chỉ từ 30 đến 32 triệu đồng/m2, nhà biệt thự từ 24 đến 26 triệu đồng/m2 (gồm cả tiền xây thô) sau khi được bán ra vài tháng, giá đã vọt lên tới 50-60 triệu đồng/m2 nhà liền kề và trên 40 triệu đồng/m2 nhà biệt thự.

Lợi nhuận khi mua được nhà dự án Vân Canh quá lớn, nhưng vấn đề đặt ra là ai sẽ mua được nhà giá gốc và làm thế nào để mua được giá gốc?

 

Chủ đầu tư vô can

Mang danh là dự án lớn do HUD làm chủ đầu tư, nhưng những thông tin về dự án Vân Canh lại rất mù mờ. Nhiều người mua nhà cho biết, ngay cả khi vào website của HUD cũng chỉ thấy vài dòng vắn tắt không thấy thông tin bao giờ bán, giá bao nhiêu, bán tại đâu, sản phẩm ra sao.

Vào hỏi chính Sàn giao dịch bất động sản của HUD trên phố Kim Mã, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời là “Sàn không bán dự án Vân Canh, không biết dự án phân phối thế nào”. Mất nhiều ngày tìm hiểu, phóng viên mới biết được dự án Vân Canh thật sự có bao nhiêu nhà đầu tư thứ cấp, quan hệ giữa tập đoàn HUD với các doanh nghiệp này ra sao.

Nghi ngờ về những khuất tất càng tăng lên khi vụ việc cả trăm khách hàng mua nhà dự án CT2 Vân Canh từ chủ đầu tư thứ phát của HUD là CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Thái Sơn Hà Nội), đã bỏ ra tiền gốc và tiền chênh lên tới hơn nửa tỷ đồng cho 1 căn hộ cả năm trời nhưng khu đất làm dự án vẫn là bãi cỏ hoang.

Trong khi đó, thông tin về tính pháp lý của dự án không rõ ràng. Hàng chục tỷ đồng tiền chênh của khách hàng nộp cho chủ đầu tư có nguy cơ mất trắng.

Điều đáng nói, trong khi HUD khẳng định chưa ký văn bản nào với Công ty Nhà Thái Sơn Hà Nội về CT2 Vân Canh thì chủ đầu tư thứ phát lại trình Hợp đồng đóng dấu đỏ có chữ ký của cả ông Nguyễn Đăng Nam - Tổng giám đốc HUD.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng và dù nhiều cơ quan báo chí nêu vụ việc nhưng tuyệt nhiên không thấy HUD đứng ra thông tin về dự án giúp cho người mua tránh rủi ro. Thực hư của bản hợp đồng giữa HUD với Công ty Nhà Thái Sơn Hà Nội ra sao đang rất cần cơ quan chức năng làm rõ.

Một điều gây khó hiểu nữa là mặc dù HUD đã phải bỏ ra nhiều tỷ đồng đầu tư cho sàn giao dịch bất động sản trên phố Kim Mã (với chức năng phân phối các sản phẩm của tập đoàn), nhưng không hiểu vì sao Công ty HUD 1, HUD 3 và một số công ty con của HUD tham gia vào dự án Vân Canh đều bán biệt thự, liền kề qua các sàn bên ngoài…

Giải thích về việc này, ông Phan Trường Sơn – Giám đốc Công ty HUD 3 nói “các anh lên mà hỏi Tập đoàn”. Ông Dương Tất Khiêm – Giám đốc Công ty HUD 1 cho rằng, ngày 3/6 vừa qua bán gần 600 nhà biệt thự và liền kề qua Sàn Thái Minh Quang, Sàn Đầu tư xây lắp vì sàn của HUD chưa đủ điều kiện pháp lý.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, ngày 25/4/2011, HUD đã có văn bản gửi Sở Xây dựng thông báo hoạt động chính thức của sàn theo quy định của Luật kinh doanh bất động sản và Nghị định 71. Có nghĩa Sàn giao dịch của HUD đủ điều kiện pháp lý hoạt động.

Ông Khiêm khẳng định, gần 600 người mua nhà liền kề, biệt thự, không có suất ngoại giao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Thái Minh Quang thì sàn bán dịch vụ cho HUD1 là 133 nhà biệt thự, liền kề và suất ngoại giao chiếm gần 20%!