Ai là người cuối cùng gánh nợ xấu?

Ai là người cuối cùng gánh nợ xấu?

Nợ xấu đang gây ách tắc dòng vốn, làm cho các giải pháp về lãi suất mất tác dụng và đặc biệt có thể tác động làm phá sản những doanh nghiệp lớn.

Đáng lo ngại là cho đến nay không có cơ quan quản lý nào công bố chính xác số liệu nợ xấu của doanh nghiệp. Và để giải quyết nợ xấu, dù bằng cách nào, rốt cuộc ngân sách cũng phải bỏ tiền ra. Vấn đề là ai được hưởng lợi nhiều nhất và liệu có ai phải chịu trách nhiệm về gánh nặng tăng thêm của ngân sách?

Gần đây, những khoản nợ mười mấy ngàn tỉ đồng của một ngân hàng nọ đang được không ít tổ chức tín dụng để ý và đánh tiếng. Họ muốn mua lại vì chúng được đảm bảo bằng tài sản thế chấp là một số khu đất “vàng”, trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, căn hộ ở trung tâm một thành phố lớn. Quá trình thảo luận tập trung vào giá khi ngân hàng chủ nợ không muốn bán rẻ, còn bên mua thì yêu cầu chiết khấu càng nhiều càng tốt.

 

Mờ ảo khối nợ

Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp với nhóm 14 ngân hàng thương mại lớn (G-14) vào tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt lên bàn chủ trương thành lập công ty mua bán nợ quốc doanh với số nợ có thể giao dịch lên tới 100.000 tỷ đồng. Chưa rõ thời điểm hoạt động, ai góp vốn và cơ chế giao dịch như thế nào, nhưng chủ trương khai sinh một pháp nhân như vậy cho thấy sự bức thiết phải tháo gỡ ngay khối nợ xấu trong nền kinh tế. Nợ xấu đang gây ách tắc dòng vốn, làm cho các giải pháp về lãi suất mất tác dụng và đặc biệt có thể tác động làm phá sản những doanh nghiệp lớn.

Đáng lo ngại là cho đến nay không có cơ quan quản lý nào công bố chính xác số liệu nợ xấu của doanh nghiệp. Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước của Bộ Tài chính chỉ ra các tập đoàn, tổng công ty đang nợ ngân hàng khoảng 415.000 tỉ đồng. Tuy nhiên nợ và nợ quá hạn khác nhau. Tỷ lệ vay nợ cao, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu là thực trạng chung của khối quốc doanh khi mà ngân sách không cấp đủ vốn cho doanh nghiệp, trong khi các tập đoàn “bành trướng” quá nhanh vào nhiều lĩnh vực.

Cơ quan có thể đánh giá tương đối chính xác về nợ và nợ xấu là NHNN. Tiếc rằng tỷ lệ nợ xấu mà NHNN công bố luôn khiến người ta phải hoài nghi. Tỷ lệ nợ xấu gần nhất được NHNN đưa ra là khoảng 3,2-3,6% tổng dư nợ, chênh lệch khá xa mức 13% mà Tổ chức định mức tín nhiệm Fitch công bố năm ngoái. Còn so với mức chừng 10% mà các chuyên gia tài chính khẳng định, nó thấp hơn ba lần.

Hiện tại dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng ước 2,5 triệu tỉ đồng. Giả sử tỷ lệ nợ xấu 10%, nó tương đương 250.000 tỷ đồng hay 12 tỉ đô la Mỹ. Số nợ xấu này hầu như đang nằm im, chỉ nhúc nhích trong một số trường hợp mua bán nợ thành công. Muốn giải quyết nó, trước hết phải làm nó chuyển động. Mặc dù NHNN vừa ban hành Văn bản 2871 ngày 16/5/2012 cho phép các tổ chức tín dụng mua bán nợ, nhưng sự khởi động tỏ ra chậm chạp vì thiếu người khởi xướng.

 

Cũ và mới

Trong lịch sử non trẻ của ngành ngân hàng, hẳn nhiều người chưa quên giai đoạn sóng gió các vụ án Tamexco, Minh Phụng - Epco. Ngày đó, số nợ xấu của ngân hàng cũng lớn so với tổng dư nợ, nhưng quy mô không thể so với bây giờ. Và cái khác căn bản là giá trị của tài sản thế chấp bất động sản chưa ở mức “bong bóng” như hiện tại.

Tài sản đảm bảo, chủ yếu là đất và quyền sử dụng đất, của Minh Phụng - Epco ở thời điểm thế chấp, đã thay đổi theo chiều hướng có lợi cho ngân hàng 5-6 năm sau đó. “Cơn sốt” bất động sản khi ấy còn sơ khai. Nay thì khác. Giá đất đã tăng chóng mặt trong vòng năm năm qua và dường như thời kỳ đỉnh cao của nó đã qua. Những khu đất được định giá thấp hơn giá thị trường và chỉ được cho vay bằng 50-70% giá trị ở thời điểm vay 3-4 năm trước, hiện khó mà chuyển nhượng bằng với mức định giá của ngân hàng. Sự ì ạch của việc phát mãi tài sản nhằm thu hồi vốn của ngân hàng xuất phát từ đây. Đúng là thủ tục phát mãi phức tạp. Tuy vậy sự phức tạp đó không mang tính quyết định. Người ta e ngại chủ yếu giá chuyển nhượng các tài sản thấp hơn giá trị khoản vay.

Nói ngắn gọn, để thanh lý nợ xấu, phải có ai đó gánh phần lỗ lã, hoặc ngân hàng, hoặc người vay. Tốc độ xử lý nợ phụ thuộc vào mức độ chiết khấu so với giá thị trường. Có những tổ chức “kền kền” sẵn sàng vào cuộc, bởi nghề của họ là đánh hơi các dấu hiệu của “xác chết”.

Có hai cách để thanh lý nợ xấu: thứ nhất là mua đứt bán đoạn trên cơ sở thương lượng giữa các tổ chức “kền kền” và các ngân hàng chủ nợ. Cách này cho kết quả nhanh và dứt điểm. Nó sẽ buộc những ngân hàng bán nợ hạch toán ngay một/nhiều khoản lỗ và dĩ nhiên ảnh hưởng đến uy tín ngân hàng. Để “cứu” những ngân hàng lỗ, Nhà nước và các doanh nghiệp, tổ chức tài chính khác phải vào cuộc. Sẽ lại xuất hiện những biện pháp cũ: tái cấp vốn, góp vốn của những ngân hàng khỏe để hỗ trợ, ưu đãi thuế...

Cách thứ hai là Nhà nước bỏ vốn thông qua NHNN vào công ty mua bán nợ và công ty này thông qua mua nợ, trở thành cổ đông của các ngân hàng bán nợ. Khi ngân hàng bán nợ lấy lại phong độ, Nhà nước có thể bán cổ phần của mình, thu hồi vốn. Đây là cách mà nhiều quốc gia đã thực hiện.

Rốt cuộc áp dụng cách nào, Nhà nước, mà ở đây là ngân sách, cũng phải bỏ tiền ra. Từ trường hợp xử lý nợ Vinashin ở Habubank dễ dàng nhận ra ngân sách đã phải bỏ tiền ra thông qua ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ba năm cho SHB; cho trích lập dự phòng nợ Vinashin dần từng năm thay vì tiến hành ngay một lúc theo thông lệ quốc tế; cho phép Vinashin phát hành trái phiếu với sự bảo lãnh của Chính phủ để trả một phần nợ.

Khi Nhà nước phải bỏ tiền, câu hỏi đi kèm sẽ là ai được hưởng lợi nhiều nhất và liệu có ai phải chịu trách nhiệm về gánh nặng tăng thêm của ngân sách đó không?

 

Ai sẽ được mua lại nợ xấu?

Về kế hoạch thành lập công ty mua bán nợ của Ngân hàng Nhà nước, nếu xét về động cơ và mục đích, sẽ thấy đây là giải pháp nhằm cứu ngân hàng. Khi một khoản nợ xấu được xử lý, ngân hàng sẽ được lợi nhiều mặt: giảm trích lập dự phòng, bảng cân đối trở nên sạch sẽ, có thêm khoản tiền từ bán nợ... Khi đó, vốn có thể sẽ chảy mạnh hơn ra nền kinh tế, nhưng chảy đi đâu, có chảy vào các dự án “sân sau”, có tiếp tục phát sinh nợ xấu hay không là chuyện của thì tương lai. Vì vậy, nói rằng cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế thông qua việc mua nợ xấu cho các ngân hàng là chuyện... ảo tưởng.

Một vấn đề cũng đáng quan tâm, đó là những ngân hàng nào sẽ nằm trong danh sách được mua lại nợ xấu. Mâu thuẫn là nợ xấu cao chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ, năng lực quản lý kém. Hiện nay có khoảng hơn 10 ngân hàng ngưng cho vay mới đều là những ngân hàng nhỏ và yếu, trong khi các ngân hàng lớn đang thừa vốn và sẵn sàng cho vay song lại khó tìm được khách hàng tốt. Do đó, nếu mua nợ xấu của các ngân hàng nhỏ thì thực tế phần giải ngân mới của họ lại không được bao nhiêu. Trong khi đó, đối với các ngân hàng lớn, mạnh thì nợ xấu không phải là rào cản để họ bơm vốn ra thị trường. Vì vậy, mua bán nợ xấu có thể là dịp cho nhóm lợi ích trỗi dậy, tiêu cực sẽ phát sinh.

Còn cân nhắc

Theo ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Eximbank, tình hình nợ xấu hiện nay của các ngân hàng thương mại đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đưa ra các liệu pháp điều trị. Thực tế hoạt động mua bán nợ đã có từ trước năm 2000 nhưng do tình hình kinh tế diễn biến tốt, các khoản nợ của ngân hàng cũng trong mức độ cho phép nên vai trò của công ty mua bán nợ chưa được coi trọng. Vì vậy, đa phần các ngân hàng đều có công ty quản lý tài sản có chức năng mua bán nợ nhưng không hoạt động hiệu quả. Còn trong tình hình hiện nay khi nợ xấu đã lên hơn 4% tổng dư nợ trong toàn hệ thống thì các ngân hàng có công ty quản lý tài sản (AMC) với vốn điều lệ chỉ vài trăm tỉ đồng trở lại không thể thực hiện được công việc này đối với ngân hàng mẹ, vì vậy để giải quyết vấn đề nợ của cả ngành ngân hàng thì cần có một công ty chung do NHNN thành lập.

Về việc tham gia vào hoạt động mua bán nợ, ông Phước cho rằng các ngân hàng thương mại cũng sẽ cân nhắc, đàm phán nếu có lợi thì sẽ thực hiện. Với nguồn tiền cho hoạt động này, ông Phước cho rằng NHNN có thể tính toán, nhưng khả năng phát hành trái phiếu là rất lớn, sẽ khó có khả năng NHNN in tiền để thực hiện việc này.

 

Vấn đề chính là giá

Liên quan đến ý tưởng lập công ty mua bán nợ của NHNN, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông, cho rằng với việc mua bán nợ, vấn đề chính là giá và cũng chưa rõ NHNN sẽ mua nợ nhóm nào, tiêu chí ra sao. Tuy vậy, ông cho rằng khả năng ngân hàng thương mại tham gia vào nhóm đi mua nợ là khó vì hiện nay họ còn phải chống chọi lại các khoản nợ xấu của chính mình.

 

Không trực tiếp gây ra lạm phát

Ở góc độ một chuyên gia độc lập, ông Vũ Đình Ánh cho rằng việc thành lập công ty mua bán nợ cũng như việc các ngân hàng thương mại chuyển vị trí chủ nợ sang cho NHNN là nhằm làm sạch bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, qua đó góp một phần vào việc khơi thông dòng chảy tín dụng. Tuy vậy, ông Ánh đặt vấn đề là có nên thành lập một công ty hay chỉ là một chương trình nằm trong đề án cơ cấu lại nợ của NHNN vì đây chỉ là một biện pháp tình thế. Việc bỏ ra 100.000 tỷ cho công ty mua bán nợ để giải quyết nợ xấu, theo ông Ánh, sẽ không trực tiếp gây ra lạm phát, nhưng việc tăng dòng chảy tín dụng trở lại có thể ảnh hưởng đến lạm phát.