Ai là chủ thực sự của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước?

Ai là chủ thực sự của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước?

Bộ Tài chính dường như đang lúng túng trong việc xác định cơ quan đại diện chủ sở hữu doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, khi hoàn thiện Dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

Theo Dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh mới nhất, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp (DN) là tổ chức được giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với DN do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và thực hiện quyền, trách nhiệm đối với vốn nhà nước đầu tư tại DN khác.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, dường như Ban soạn thảo lúng túng khi xác định cơ quan đại diện chủ sở hữu DN. Việc xác định cơ quan đại diện như trong Dự luật tức là quay về với cơ chế quản lý cũ đã lỗi thời. “Cần phải giao quyền, trách nhiệm cho HĐQT, hội đồng thành viên đối với DN 100% vốn nhà nước, chứ Nhà nước không nên “quản” hết, thông qua cơ quan đại diện chủ sở hữu”, ông Phúc đề xuất.

“Từng là lãnh đạo DN (Giám đốc CTCP Gạch ốp lát Thái Bình), nên tôi rất hiểu “nỗi khổ của anh em” khi làm bất cứ cái gì cũng phải “trình báo” cơ quan đại diện chủ sở hữu, vì mất rất nhiều thời gian, công sức. Nhiều cơ hội đầu tư bị mất hoặc hiệu quả không còn được như tính toán ban đầu do khi được chấp thuận thì cơ hội đã trôi qua. Tôi cũng đã từng làm lãnh đạo cơ quan đại diện chủ sở hữu DN (Giám đốc Sở Công nghiệp Thái Bình), nên cũng hiểu nỗi khổ của anh em. Cơ quan quản lý nhà nước, không thể sâu sát hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nên không thể quyết ngay dự án đầu tư, vì nếu dự án không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp đều phải chịu trách nhiệm”, ông Phúc chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước bày tỏ sự bức xúc về mô hình quản lý DN 100% vốn nhà nước. Bởi theo ông, trong hơn 10 năm qua, mô hình quản lý thay đi, đổi lại từ bộ chủ quản chuyển sang trao quyền cho DN “tự quyết” rồi đến mô hình hiện nay, nhưng chưa tìm thấy hướng đi hợp lý nhất. Bằng chứng là, tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư kém hiệu quả của khu vực DN nhà nước vẫn không có dấu hiệu cải thiện.

Ông Ksor Phước cho rằng, tốt nhất là thành lập một cơ quan chuyên quản, chứ không nên giao phó hoàn toàn cho bộ chủ quản hay HĐQT của DN.

“Riêng việc lựa chọn mô hình tổ chức đối với cơ quan quản lý, giám sát DN nhà nước, chúng tôi đã phải tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, nhưng vẫn chưa “chốt” được phương án cuối cùng để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến và quyết định lựa chọn mô hình tổ chức nào”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Văn Hiếu thừa nhận.

Cụ thể, phương án thứ nhất là giữ nguyên như mô hình hiện nay, tức là Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện một số quyền, trách nhiệm đối với DN do mình thành lập hoặc được giao quản lý; hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm tại DN theo quy định của pháp luật.

Phương án thứ hai là xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản, nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại DN, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước. Quan điểm cuối cùng đề xuất trước mắt lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều phối chức năng tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của DN nhà nước.

“Chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá đầy đủ các mặt hạn chế, tích cực của từng mô hình quản lý, giám sát DN nhà nước, cơ quan có thẩm quyền lựa chọn mô hình nào, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình đó để đưa vào Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh”, ông Hiếu cho biết.

Tin bài liên quan